TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

​​Phát huy vai trò Người đại diện vốn tại doanh nghiệp

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế toàn cầu… nhiều doanh nghiệp nhà nước do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý vẫn có kết quả kinh doanh khả quan. Điều này có sự đóng góp của SCIC nói chung và Người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp nói riêng, trong việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp cơ cấu doanh nghiệp, hoạch định chiến lược phát triển, triển khai kế hoạch kinh doanh và mở rộng thị trường… Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận nhiều doanh nghiệp đã vượt mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả khả quan, vẫn còn những doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn. Song năm 2023 cũng ghi nhận những nỗ lực của SCIC và Người đại diện trong việc vượt qua thách thức cùng doanh nghiệp.


Tối đa kênh bán hàng hoàn thành mục tiêu doanh thu
Ông Chu Văn Phương, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)
"Năm 2023, bối cảnh thế giới đã tạo ra những khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khó khăn thứ nhất phải kể tới là chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát trên toàn thế giới đã trực tiếp tác động đến Việt Nam làm cho lãi suất cho vay tăng cao đột biến. Nhiều thời điểm doanh nghiệp đã không thể giải ngân vốn vay từ ngân hàng làm dòng tiền kinh doanh bị tắc nghẽn hoặc phải chịu chi phí vốn rất cao. Chi phí huy động vốn kể từ quý 3 năm 2022 đến nay so với đầu năm 2022 đã tăng từ 2 cho tới 2,5 lần.
Khó khăn thứ hai mang yếu tố khách quan là do tác động của chiến tranh Nga – Ukraine đã ảnh hưởng tới giá năng lượng, khiến giá dầu thế giới leo thang. Là doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ dầu mỏ và nhập khẩu nguyên liệu trực tiếp từ nước ngoài nên NTP chịu tác động trực tiếp từ vấn đề này. Bên cạnh đó tỷ giá VND – USD tăng tạo ra tác động kép đến việc tăng giá thành sản xuất từ yếu tố nguyên liệu. Hơn nữa, năm 2023 cũng là năm dỡ bỏ chính sách zero covid, theo đó, cầu nguyên liệu cho các ngành sản xuất tại Trung Quốc cũng tăng cao và là yếu tố tác động cho giá nguyên liệu tiếp tục tăng.
Khó khăn thứ ba, chính sách thắt chặt tiền tệ đã tác động trực tiếp đến ngành kinh doanh bất động sản làm cho ngành này chững lại. Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công chậm, các công trình xây dựng chậm được triển khai từ đó kéo theo sự suy giảm của thị trường nhựa xây dựng.
Khó khăn thứ tư, các chi phí đầu vào của doanh nghiệp được dự báo tiếp tục tăng, nhất là chi phí nhiên liệu và năng lượng trong năm 2023. Điều này sẽ làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng thêm.
Đứng trước những khó khăn này, NTP đã chủ động đưa ra các giải pháp hợp lý hóa sản xuất, tối đa kênh bán hàng… như lựa chọn các thời điểm mua và tồn trữ nguyên liệu một cách hợp lý, thay đổi giá bán sản phẩm cũng như các chương trình khuyến mại, xúc tiến bán hàng và huy động vốn và dự trữ tiền gửi ngân hàng linh hoạt để đảm bảo nguồn vốn không bị đứt gãy. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2022 của NTP đều vượt kế hoạch đề ra với mức tương ứng là 8% và 15%.
Trong năm 2023, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nên NTP đặt mục tiêu duy trì mức doanh thu và lợi nhuận như năm 2022.Để thực hiện mục tiêu, kể từ đầu năm, NTP hướng tới mở rộng sự hợp tác sẵn có từ những đối tác quan trọng. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với kênh phân phối là các trung tâm phân phối sản phẩm và các đơn vị bán hàng của NTP để trao đổi thông tin và đề ra các giải pháp ứng phó với các diễn biến nhanh chóng của thị trường tiêu thụ phục vụ công tác kinh doanh. Thông qua các đối tác chiến lược nước ngoài như Sekisui (cổ đông) và Iplex (đối tác) cũng như các đối tác lớn trong nước để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cũng như đưa sản phẩm vào thị trường nội địa trong những lĩnh vực chưa khai thác được nhiều như thủy sản, truyền tải điện...
Tiếp tục mở rộng các kênh cung cấp tài chính để tìm kiếm và lựa chọn các đối tác cung cấp có thế mạnh trong các lĩnh vực nhất định để nâng cao hiệu quả, thông suốt nguồn tài trợ vốn với chi phí hợp lý tại các thời điểm.
Đặc biệt, với sự hỗ trợ từ SCIC, NTP hy vọng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các đối tác trong hệ sinh thái của SCIC để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm".


Giảm tỷ lệ chia cổ tức, đảm bảo nguồn vốn tái đầu tư phát triển
Ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viễn thông FPT
“2023 được đánh giá là năm kinh tế thế giới khó khăn và có nhiều biến động. Dù vậy, từ đầu năm, FPT Telecom vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số, trong đó, doanh thu kế hoạch là 26.740 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận kế hoạch là 3.230 tỷ, tăng trưởng 14.6%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, FPT Telecom với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm, tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới để đưa ra các sản phẩm nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tối ưu chi phí cho doanh nghiệp.
Động lực tăng trưởng dài hạn của công ty tiếp tục đến từ việc phát triển hệ sinh thái hạ tầng và công nghệ đáp ứng nhu cầu của người dùng cuối. Bằng việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư thông minh hoá vận hành hạ tầng, FPT Telecom sẽ đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ số để tự động hoá và thông minh hóa việc điều hành các hạ tầng lõi như mạng cáp quang, đài trạm, data center…Song song đó, FPT Telecom còn tích cực tham gia hệ sinh thái chung của Tập đoàn để phát huy tối đa năng lực và đẩy nhanh kế hoạch mục tiêu.
Năm 2023, một số dịch vụ được FPT Telecom đẩy mạnh như đối với FPT Play, từng bước khẳng định đây là thương hiệu Top of mind của khán, thính giả Việt Nam trong mảng nội dung giải trí và đặc biệt là thể thao liên quan đến bóng đá Việt Nam thông qua tiên phong công nghệ truyền hình tương tác. Mảng FPT Camera, FPT Smart Home tiếp tục ứng dụng công nghệ mới của thế giới và đẩy mạnh vươn ra thị trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu hộ gia đình Việt.
Tuy nhiên, đối diện với bức tranh chung của nền kinh tế hiện nay thì việc đẩy mạnh kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp được xem như những cơ hội mới. Hiện tại và trong thời gian tới, FPT Telecom là một trong những nhân tố chủ chốt trong việc liên kết các sản phẩm dịch vụ của các công ty thành viên trong tập đoàn FPT nhằm xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhất cho các khách hàng của toàn tập đoàn. Hệ sinh thái này sẽ tiếp tục được mở rộng phối hợp với các đối tác ở bên ngoài như y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh tìm kiếm phương án hợp tác để đầu tư các dự án lớn như cáp biển trung tâm dữ liệu,...nhằm một mặt giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và mặt khác đem lại những giá trị lớn cho công ty về kinh doanh dài hạn.
Ngoài ra, với vị thế, năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình, công ty đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số với các giải pháp dịch vụ của chính FPT, FPT Telecom cung cấp.
Để tiếp tục phát triển trong những tháng cuối năm 2023 và trong thời gian tới, FPT Telecom mong muốn SCIC sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ và phối hợp sâu sát cùng đơn vị như đã triển khai thời gian qua.


Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sông Đà - CTCP

"Xác định năm 2022 là năm khó khăn sau giai đoạn dài cả nước phòng chống dịch Covid-19, SCIC đồng hành cùng với Người đại diện và Sông Đà triển khai các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Với những thành tựu đạt được, trong 9 tháng đầu năm 2023, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp xây lắp vượt qua khó khăn để ổn định SXKD và phát triển và tổ chức thực hiện Đề án tái cấu trúc lại TCT giai đoạn 2023-2028 được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng Công ty Sông Đà - CTCP đã tập trung huy động mọi nguồn lực để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn các công trình theo hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư; Chủ động rà soát lại tiến độ, khối lượng công việc tại các công trình để làm việc với Chủ đầu tư điều chỉnh lại cho phù hợp, trong đó cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thi công các công trình đã có đủ điều kiện thi công (nguồn vốn, thiết kế, mặt bằng,…); Tổ chức tốt lực lượng làm công tác tiếp thị, đấu thầu tìm kiếm việc làm để bù đắp sản lượng thiếu hụt chưa có hợp đồng theo kế hoạch năm 2023 đề ra, cũng như chuẩn bị việc làm cho những năm tiếp theo; Tập trung giải quyết các vướng mắc tại các công trình, đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, quyết toán,... để đẩy mạnh công tác thu vốn để giảm giá trị dở dang và công nợ phải thu tại các công trình; Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, tổ chức hạch toán kinh doanh tuân thủ theo đúng chế độ và quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ các chi phí sản xuất và chi phí quản lý doanh nghiệp, đảm bảo SXKD có hiệu quả, tích lũy vốn để phát triển; Xây dựng và trình thông qua Đề án tái cơ cấu lại TCT giai đoạn 2023-2028 làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả và thành công.”


Đẩy mạnh chuyển đổi số
Bà Đào Thúy Hà, thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc CTCP Traphaco
"Năm 2022 là năm đặc biệt với Traphaco – kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Traphaco và Vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Nối tiếp những kết quả ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận 2022, trong năm 2023, Traphaco hướng tới mục tiêu “Giữ vững vị thế số 1 đông dược - đầu tư phát triển ngoài đông được”, Traphaco đã xây dựng kế hoạch đạt 2.600 tỷ doanh thu (tăng trưởng 8,4% so với năm 2022), lợi nhuận sau thuế đạt 326 tỷ (tăng trưởng 11,2% so với năm 2022), tỷ lệ cổ tức duy trì mức 30% vốn điều lệ bằng tiền mặt.
Để thực hiện mục tiêu này, Traphaco đã lựa chọn thông điệp của năm 2023 là “Tốc độ và số hóa, kết nối để thành công” nhằm nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh của công ty thông qua các giải pháp kinh doanh tốc độ, chuyển đổi số tích hợp.
Theo đó, công ty sẽ nâng cao hiệu quả quản trị thông qua giao và đánh giá các chỉ tiêu công việc bằng hệ thống KPI; Triển khai chuyển đổi số, thực hiện số hóa quy trình làm việc và các hệ thống văn bản nội bộ như thực hiện số hóa toàn diện hệ thống quản trị, nâng cao năng suất, gia tăng tốc độ báo cáo của hệ thống theo thời gian thực; Đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát hành trình với xe ô tô giao hàng, giảm thời gian giao nhận, nâng cao trải nghiệm khách hàng; Tiếp tục hệ thống quản lý chi phí bằng kế hoạch ngân sách; Đầu tư mạnh cho hoạt động R&D phát triển sản phẩm mới trong Tân dược, Đông dược và cung cấp các dịch vụ mới, tập trung vào các sản phẩm có nghiên cứu tương đương sinh học; Tăng cường hoạt động Chuyển giao công nghệ và Thực hiện cải cách quy chế lương với đơn vị tư vấn uy tín.
Không chỉ năm 2023 mà chuyển đổi số còn là ưu tiên của Traphaco trong giai đoạn 2023-2025 với việc triển khai các hoạt động số hóa chuỗi cung ứng (quản lý sản xuất, kế hoạch, logistic, phân phối), nâng cao trải nghiệm khách hàng, thanh toán phi tiền mặt...; Nâng cao năng lực sản xuất mảng ngoài đông dược thông qua việc cân nhắc đầu tư dây chuyền GMP-EU sau khi có báo cáo khả thi; Đầu tư dây chuyền thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Nhà máy Hưng Yên cũng như tăng cường năng lực hoạt động kênh phân phối".


Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp
Ông Phạm Công Thảo, thành viên HĐQT, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL)

"Từ cuối năm 2022 đến nay, kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, nguyên nhân do những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - Ukraina, khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu; chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa ở các quốc gia; thị trường Trung Quốc suy giảm,… Thị trường thép cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi giá các mặt hàng thép liên tục giảm mạnh, trong khi nhu cầu thị trường cả trong nước và thế giới suy yếu, các doanh nghiệp thép gặp rất nhiều khó khăn, kết quả SXKD sụt giảm mạnh. Theo VSA tiêu thụ thép xây dựng năm 2023 sụt giảm mạnh trên 20% so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp trong VSA cũng trong tình trạng thua lỗ hoặc hiệu quả thấp trong 9 tháng năm 2023.
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, kết quả SXKD của VNSTEEL trong 9 tháng năm 2023 cũng không khả quan với sản lượng thép giảm mạnh, hiệu quả kinh doanh của hầu hết các đơn vị trong hệ thống đều giảm sút, nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ trong đó có các đơn vị lớn như Vinakyoei, Tisco, Tôn Phương Nam,... Ngoài yếu tố thị trường khó khăn chung, VNSTEEL còn có các nguyên nhân khách quan và chủ quan mang tính đặc thù của ngành thép, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023.
Đó là năng lực sản xuất và giá thành không cạnh tranh bằng các đối thủ trực tiếp do năng lực sản xuất không tăng, công nghệ thiết bị chưa có đổi mới trong khi các đối thủ không ngừng mở rộng quy mô sản xuất với công nghệ hiện đại và khép kín, đồng thời có vị trí thuận lợi về giao thông hơn (như có cảng nước sâu).
Trong những năm gần đây, thị phần của VNSTEEL suy giảm do cạnh tranh gay gắt. Tại thị trường nội địa, các đơn vị tuy vẫn giữ được hệ thống các nhà phân phối/khách hàng (NPP) nhưng thị phần tại hầu hết các địa phương đều bị suy giảm khi các đối thủ tăng cường thâm nhập hệ thống NPP, đồng thời, các đối thủ cũng phát triển thêm NPP tại cùng địa phương để cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu trong hệ thống của Tổng công ty. Tại thị trường xuất khẩu, việc đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế và bị động, các đơn vị mới chỉ tập trung khai thác thị trường xuất khẩu truyền thống trong khi các đối thủ đã phát triển đa dạng thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Chính sách bán hàng của các đơn vị trong hệ thống cũng bị hạn chế so với các doanh nghiệp tư nhân do tỷ lệ vốn nhà nước cao nên các đơn vị chịu nhiều quy định ràng buộc về việc phải đảm bảo hiệu quả, bảo tồn vốn, dẫn đến nhiều thời điểm trong năm các đơn vị phải xem xét điều tiết giảm sản xuất để đảm bảo hiệu quả, không thể chạy theo thị phần dẫn đến hiệu quả giảm sút.
Về hiệu quả kinh doanh, xét về tổng thể, do nhiều nguyên nhân đã phân tích ở trên, cộng với 2 dự án đầu tư không hiệu quả và có khả năng mất vốn (Tisco2 và VTM), hiệu quả sản xuất kinh doanh của cả mảng thép dài và thép dẹt của Tổng công ty đều thấp hơn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Hòa Phát, VAS, Hoa Sen, Nam Kim, Tôn Đông Á.
Tổng công ty phải tập trung rất nhiều nguồn lực để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến 2 đại dự án là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco2) và Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai của VTM. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có tác động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của Tổng công ty trong những năm gần đây và dự kiến trong các năm tới nếu không tìm được hướng giải quyết phù hợp.
Trước những thách thức mới của môi trường kinh doanh, cũng như những cơ hội mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và thị trường thép hiện nay, Tổng công ty cần tiếp tục tái cơ cấu để Tổng công ty có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Theo đó, VNSTEEL đề xuất SCIC tiếp tục đồng hành trong mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp, góp phần xử lý các khó khăn vướng mắc và tạo điều kiện phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Cụ thể như:
(1) Tiếp tục thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh Điều lệ, các quy chế, quy định... của Tổng công ty cho phù hợp với Luật doanh nghiệp, các văn bản pháp luật hiện hành và tình hình thực tế hiện nay của Tổng công ty và các đơn vị trong hệ thống.
(2) Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quyết toán cổ phần hóa của Tổng công ty, thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty và các công ty con, công ty liên kết theo Kế hoạch.
(3) Tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, và Đảng ủy Tổng công ty trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Dự án giai đoạn 2 -Tisco và Công ty VTM.
(4) Đầu tư một số dự án trọng điểm nhằm nâng công suất, cải thiện năng lực cạnh tranh và vị thế của VNSTEEL trên thị trường.
(5) Đẩy mạnh thực hiện các dự án chuyển đổi số để hỗ trợ cải thiện chất lượng quản trị của VNSTEEL".


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn