Nhựa Tiền Phong: Khát vọng nâng tầm
- Đối Ngoại Truyền Thông
- Lượt xem: 554
Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư hệ thống công nghệ để sản xuất những sản phẩm mới đón đầu xu hướng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã CK: NTP) có kế hoạch bước chân vào lĩnh vực giáo dục.
Linh hoạt thích ứng
Ngày 27/4 tới, Nhựa Tiền Phong sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Năm qua có thể nói là năm thành công của Công ty, dù doanh thu ghi nhận 5.176 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022, nhưng lãi ròng lại tăng 16,5% so với cùng kỳ, đạt 559 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào năm 2006.
Giai đoạn nửa đầu năm 2023, Công ty ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống so với cùng kỳ, với doanh thu thuần đạt 2.524 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 287 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá vốn giảm chậm hơn tốc độ giảm của doanh thu, khiến biên lãi gộp co về mức 27,7%, từ mức 29,4% cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 339 tỷ đồng, giảm 33%.
Thời điểm đầu năm 2023, Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong dự báo ngành nhựa trong năm sẽ còn gặp nhiều khó khăn, qua đó, đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu đạt 5.875 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước đó, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 5%, xuống mức 535 tỷ đồng.
Với những nỗ lực bền bỉ trong sản xuất - kinh doanh, Nhựa Tiền Phong đã lội ngược dòng để đạt được lợi nhuận năm 2023 cao nhất từ trước tới nay
Đứng trước khó khăn, Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đã có những điều hành linh hoạt trong sản xuất - kinh doanh, giúp cân đối hiệu quả hoạt động của Công ty. Có thể thấy điều này qua việc chi phí quản lý doanh nghiệp - vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí của Nhựa Tiền Phong đã giảm mạnh 43%, xuống còn 131 tỷ đồng. Chi phí bán hàng lại tăng 34% so với cùng kỳ, lên mức 55 tỷ đồng để hỗ trợ tốt hơn cho các đơn vị phân phối trong công tác kinh doanh như gia tăng quyền lợi qua các chương trình khuyến mại, đồng hành đấu thầu dự án và các quyền lợi ưu đãi khác, nhưng sự điều chỉnh này đã tác động không nhỏ tới doanh thu của Công ty.
Tính đến cuối ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt hơn 5.453,6 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn tăng gấp 3,6 lần so với hồi đầu năm, ghi nhận 451 tỷ đồng. Số dư tiền mặt đã tăng thêm gần 850 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 1.435 tỷ đồng, chiếm hơn 1/4 tổng tài sản. Tổng nợ phải trả 2.338,2 tỷ đồng, tương đương 0,75 lần vốn chủ sở hữu - một tỷ lệ an toàn.
Với sự nhạy bén trong hoạt động kinh doanh, tích cực sáng tạo trong sản xuất, linh hoạt trong xử lý dòng tiền, trong nửa cuối năm 2023, Nhựa Tiền Phong đã xuất sắc về đích, với con số lợi nhuận cao nhất kể từ khi lên sàn niêm yết, vượt 23% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra và ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 16,5% so với năm 2022.
Nhựa Tiền Phong là đơn vị tiên phong và duy nhất tại Việt Nam sản xuất các sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường quốc tế
Đầu tư công nghệ, sản phẩm tiên phong
Giữ vững tinh thần tiên phong của hành trình 64 năm xây dựng và phát triển, năm nay, Nhựa Tiền Phong tiếp tục cung cấp ra thị trường hơn 10.000 chủng loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế của ba dòng sản phẩm chính là PVC, PPR và HDPE với năng lực sản xuất đạt tới 260.000 tấn/năm. Các sản phẩm đều được sản xuất trên các dây chuyền máy móc hiện đại của Đức, Áo, Hàn Quốc, Italia... và được nghiên cứu cải tiến hàng năm để mang lại thuận tiện cho người sử dụng.
Ông Trần Nhật Ninh, Phó tổng giám đốc, phụ trách Khối Kỹ thuật Nhựa Tiền Phong khẳng định: “Với dải sản phẩm phong phú, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng trong các lĩnh vực như cấp, thoát nước, xây dựng, điện, nuôi trồng thủy hải sản... và rất phù hợp cho xu hướng vật liệu xanh trong xây dựng bền vững như hiện nay. Không dừng ở đó, Công ty tích cực nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất những sản phẩm được ưa chuộng tại thị trường quốc tế mà chưa có doanh nghiệp nào tại Việt Nam làm được như ống và phụ tùng uPVC thoát nước theo tiêu chuẩn ISO 3633, ống PP gân sóng 2 lớp,... qua đó đưa ra những giải pháp xây dựng kỹ thuật mới và thuận tiện hơn cho thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác lớn như Tập đoàn Minh Phú, Tập đoàn PC1, Công ty cổ phần Shinec... tạo dư địa lớn để Nhựa Tiền Phong mở rộng thị phần, tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Một số sản phẩm như Van Zacco UPVC, bích nhựa UPVC đã được xuất khẩu sang Đức, Nhật Bản bước đầu giúp Nhựa Tiền Phong tiếp cận thị trường khó tính này. Công ty sẽ tiếp tục gia công các sản phẩm cho đối tác Iplex tại Úc và New Zealand để tăng cường kiến thức và mở rộng thương hiệu tại quốc tế.
Theo lãnh đạo Nhựa Tiền Phong, Công ty đã hợp tác với Tập đoàn Sekisui Chemical Nhật Bản để trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất ống và phụ tùng bằng nhựa cPVC sử dụng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy thay thế ống gang mạ kẽm hiện nay. Dự kiến trong quý III/2024, dòng sản phẩm trên sẽ được sản xuất đại trà, tung ra thị trường và kỳ vọng sẽ đem lại nguồn thu tốt cho Nhựa Tiền Phong trong các năm tới.
“Với phương châm chất lượng là trên hết, Nhựa Tiền Phong đã không ngần ngại loại bỏ các sản phẩm cũ, cải tiến nhiều chủng loại mẫu mã sản phẩm cho phù hợp hơn với xu thế xây dựng hiện đại. Đây cũng là sự tiên phong trong đầu tư nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm mới đón đầu xu hướng thị trường”, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong Chu Văn Phương nhấn mạnh.
Phát triển nguồn nhân lực cho tương lai
"Tại đại hội cổ đông năm 2024, Nhựa Tiền Phong đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 5.400 tỷ đồng, sản lượng sản phẩm tiêu thụ 103.500 tấn, hai chỉ tiêu này cùng tăng khoảng 6% so với thực hiện năm trước; lãi trước thuế đạt mức 555 tỷ đồng. Công ty dự kiến chi 191 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2024."
Nghị quyết số 35/NQ-CP đã chỉ rõ, cần thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục - đào tạo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ đã khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, lĩnh vực đào tạo. Nhận thấy đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai, đem lại nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, trong kỳ đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Nhựa Tiền Phong đã đề xuất bổ sung một số ngành nghề kinh doanh, gồm kiểm tra và phân tích kỹ thuật và giáo dục. Công ty dự kiến thực hiện dự án Trường phổ thông liên cấp Nhựa Tiền Phong (đào tạo ba cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) tại số 2 An Đà, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng. Dự án được triển khai trên khu đất có diện tích 37.455 m2, với tổng vốn đầu tư gần 623,6 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2026.
Tri ân lịch sử được hình thành một phần từ phong trào “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi miền Bắc những năm 60 của thế kỷ 20, Nhựa Tiền Phong luôn hướng tới thế hệ trẻ. Qua dự án này, Nhựa Tiền Phong mong muốn triển khai giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ tại địa phương, đóng góp tích cực vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của Hải Phòng nói riêng và đất nước nói chung trong tương lai gần.