TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Vốn nhà nước cần được quản trị chuyên nghiệp

Bạn đánh giá: 3 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2022 đặt ra câu hỏi đầy trăn trở: “Phải làm gì để nguồn lực lớn mà DNNN đang nắm giữ đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế”.

Nguồn lực lớn của nền kinh tế đang nằm chờ

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, tiến trình tái cơ cấu DNNN cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhất là khi nền kinh tế đang cần nguồn lực lớn cho công cuộc tái thiết.

Khoản thu từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN đã được Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 dành để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số DNNN then chốt...

Theo Bộ Tài chính, năm 2021, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 1.401 tỷ đồng, chỉ bằng 3,5% kế hoạch. Cổ phần hóa chậm cũng đồng nghĩa với việc có rất ít áp lực thay đổi lên cơ quan đại diện chủ sở hữu và bộ máy quản trị, quản lý doanh nghiệp. Chậm cải thiện quản trị, năng lực, hiệu quả hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn tới giá trị phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rất lưu tâm trong quá trình tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

"Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nên được giao cho các đơn vị quản lý vốn chuyên nghiệp thay vì để rải rác ở các bộ, ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp các địa phương." - TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Cho đến nay, SCIC đã nhận chuyển giao vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp, trong đó có 23 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn như Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…

Sau khi tiếp nhận, SCIC đã triển khai áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến; chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; làm gia tăng giá trị thu về cho Nhà nước khi triển khai bán vốn.

Quản trị vốn chuyên nghiệp

Năm 2019 - năm đầu tiên nhận chuyển giao vốn nhà nước tại VNsteel, báo cáo tài chính của SCIC ghi nhận một khoản trích lập dự phòng lên tới vài ngàn tỷ đồng, khiến lợi nhuận của Tổng công ty giảm tương ứng. Đó là thời điểm VNsteel phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dòng tiền thiếu hụt, thị phần liên tục giảm...

Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công thương, SCIC đã tập trung chỉ đạo người đại diện vốn của SCIC tại VNsteel phối hợp với Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành VNsteel để triển khai công tác tái cơ cấu, đặc biệt là hai khoản đầu tư dài hạn có giá trị lớn của VNsteel tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM).

Sau khi được rà soát toàn diện, bản Đề án Tái cơ cấu VNsteel đã được xây dựng, làm cơ sở cho doanh nghiệp triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên.

Đặc biệt đáng chú ý là câu chuyện tái cơ cấu VTM, một trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương đã được SCIC tham gia tái cơ cấu thành công.

Mặc dù được cấp phép khai thác quặng sắt mỏ Quý Xa (mỏ sắt có trữ lượng và chất lượng tốt nhất của Việt Nam), nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của VTM gặp rất nhiều khó khăn và càng khó khăn hơn khi giấy phép hoạt động khoáng sản của Công ty hết hạn, không đủ điều kiện để được gia hạn. Do hết quặng, VTM đã buộc phải dừng sản xuất từ ngày 16/9/2021.

Nếu để VTM bị phá sản, thì hệ quả để lại rất lớn: VNsteel có nguy cơ mất ngay khoản vốn góp tại VTM, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất - kinh doanh của VNsteel; các nhà cung cấp có khả năng không thu hồi được nợ, ngân hàng không thu hồi được vốn cho vay tại VTM. Ngoài ra, khoảng 1.400 lao động sẽ bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an sinh xã hội, thu ngân sách của tỉnh Lào Cai.

Trước tình hình đó, SCIC đã đề xuất các giải pháp để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với sự vào cuộc tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh Lào Cai, ngày 29/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc cho phép VTM khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Xa trong thời hạn 1 năm để có thời gian hoàn thành Đề án Tái cơ cấu, khắc phục các tồn tại, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nên được giao cho các đơn vị quản lý vốn chuyên nghiệp thay vì để rải rác ở các bộ, ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp các địa phương.

Việc tách bạch chức năng quản lý vốn và chức năng quản lý hành chính nhà nước sẽ chấm dứt tình trạng “bỏ bê”, “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý vốn nhà nước. Khi được quản trị chuyên nghiệp, doanh nghiệp sẽ thay đổi, đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao hơn và kết quả là đồng vốn nhà nước gia tăng.

Theo: Vốn nhà nước cần được quản trị chuyên nghiệp | Báo Đầu tư (baodautu.vn) 


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn