TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex: Cần môi trường vĩ mô ổn định để doanh nghiệp có thể đứng vững

Bạn đánh giá: 2 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Những biến động trên thị trường thế giới do tác động của dịch bệnh, khủng hoảng Nga – Ukraine tác động thế nào đến ngành dệt may Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nói riêng? Xoay quanh tiêu điểm này, ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex đã có những lý giải và nhận định trên nhiều khía cạnh sản xuất kinh doanh trọng yếu…

Bước tiến trong sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may

*Bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may đã được đặt ra từ lâu, ông nhận thấy bài toán này đã có thay đổi như thế nào qua các năm?

– Ngành dệt may thế giới kinh doanh theo hình thức chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế mỗi thành viên mới muốn tham gia chuỗi cung ứng phải đạt lợi thế cạnh tranh. Trước đây 20 năm, dệt may Việt Nam còn nhỏ bé với kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt 4-5 tỷ USD, lượng sử dụng vải cũng chỉ khoảng 1-2 tỷ USD. Về khách quan là chưa đủ điều kiện để phát triển một ngành nguyên liệu.

Cùng sự phát triển KNXK nói chung, đến nay chúng ta có KNXK dệt may đạt 40,5 tỷ USD. Những năm gần đây, với điều kiện khách quan về thị trường cho phép đầu tư sản xuất nguyên liệu trong nước giữ được năng lực cạnh tranh khi so sánh với nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Do vậy, đến năm 2021 tổng thể nguyên liệu nhập vào để sản xuất ra 40,5 tỷ USD KNXK chỉ rơi vào khoảng 19 tỷ USD theo số liệu của tổng cục Hải quan, tức là trên 50% giá trị KNXK ngành dệt may đã thuộc về trong nước. Đây là bước tiến quan trọng so với trước đây 20 năm chúng ta chỉ đạt khoảng 15% giá trị KNXK.

Cùng với đó, có nhiều hãng hàng lớn với sản lượng lớn đặt tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho ngành sản xuất nguyên liệu đi vào chuyên sâu mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam như mặt hàng dệt kim. Đây cũng là hướng đi DN dệt may nắm bắt kịp thời xu thế của thị trường tham gia chuỗi cung ứng một cách tích cực, chủ động. Theo xu thế này, như hiện tại với Vinatex, dệt kim là mặt hàng chiến lược với mục tiêu chiến lược “Một điểm đến cung cấp giải pháp trọn gói cho sản phẩm thời trang dệt kim”, cụ thể là sợi dệt nhuộm may hoàn toàn tại Việt Nam, sản phẩm này đã phục vụ cho nhiều thương hiệu lớn như: Adidas, Nike…

Đây là cách đi rất thông thường trong chuỗi cung ứng dệt may và chắc chắn nếu dệt may Việt Nam còn tiếp tục mở rộng qui mô thì ngành sản xuất nguyên liệu trong thời gian tới đóng góp vai trò quan trọng, thậm chí đóng góp giá trị gia tăng quan trọng nhất trong khu vực sản xuất này.

* Vậy theo ông, đâu là hướng đi cho ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may trong chuỗi cung ứng?

– Nhằm phục vụ phát triển nguyên liệu căn cơ, bền vững thực hiện được cả 3 mục tiêu kinh tế- an sinh- môi trường cần một quy hoạch cụ thể ở tầm quốc gia. Đây là ngành sử dụng vốn nhiều, không như ngành May sử dụng lao động nhiều. Một ngành sử dụng vốn nhiều lại có chất thải, nước thải đòi hỏi quy hoạch ở khu công nghiệp tập trung, đảm bảo quá trình vận hành gắn với đảm bảo an sinh, môi trường.

Vốn lớn nên cần có hệ thống có chính sách tài chính hỗ trợ để nhà đầu tư sẵn sàng tham gia đầu tư vào đó. Qui mô đầu tư cho 1 chỗ làm việc của công nhân ngành may khoảng 4000 USD nhưng với ngành dệt nhuộm là khoảng 15-20 nghìn USD, cho thấy ngành sản xuất nguyên, phụ liệu phụ thuộc nhiều hơn vào vốn. Quy mô thông thường của nhà máy sản xuất sợi, vải phải có mức đầu tư từ 30 triệu – 50 triệu USD chứ không chỉ 5-7 triệu USD như ngành may.

Khu công nghiệp được quy hoạch phát triển nguyên liệu cũng cần đảm bảo giao thông thuận lợi, gần cảng biển. Nếu nằm xa chi phí vận tải nội địa lớn hơn chi phí nhập khẩu thì ngành sản xuất nguyên liệu nội địa không thể cạnh tranh và thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Chúng ta cần hiểu rằng, phát triển nguyên liệu trong nước được hay không phải trả lời được câu hỏi mang lại lợi ích gì cho DN mua nguyên liệu đó so với nhập khẩu từ nước ngoài. Trong tổng thể chung, DN dệt may phát triển nguyên liệu mong muốn nhà nước có chính sách lâu dài.

Riêng chính sách tài chính, hiện tại nếu mua trong nước sản phẩm nguyên liệu phải chịu thuế VAT, trong khi nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu được miễn thuế, DN sản xuất trong nước lại không lợi thế bằng so với những DN từ nước ngoài xuất khẩu vào Việt Nam. Chúng tôi không yêu cầu ưu đãi đặc biệt mà cần sân chơi bình đẳng giữa các DN trong nước và ngoài nước.

Chuyển chiến lược marketing từ “kéo” sang “đẩy”

*Để hướng tới phát triển công nghiệp thời trang như mong muốn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi đến thăm, chúc Tết Tập đoàn dịp đầu Xuân Nhâm Dần, ngành dệt may cần tập trung vào những thế mạnh nào, thưa ông ?

– Phát triển ngành công nghiệp thời trang dệt may đòi hỏi hệ thống nhiều khâu, có sự kết hợp nhuần nhuyễn và có sức cạnh tranh tương đương nhau. Trong 10 năm qua, chúng ta đã nỗ lực phát triển ngành nguyên liệu, là tiền đề cho phát triển công nghiệp thời trang.

Công nghiệp thời trang dựa trên thiết kế và chủ yếu cạnh tranh về công nghiệp vật liệu. Sau khi phát triển nguyên liệu đạt trình độ nhất định, chúng ta có đủ điều kiện phát triển công nghiệp thời trang. Giai đoạn tới, tập trung 2 khu vực chính là: đảm bảo nguồn nhân lực cho thiết kế; đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển để tạo sản phẩm mới, mang tính đặc thù không chỉ về sản phẩm thời trang mà cả nguyên liệu mới như nano, chống thấm, kháng vi khuẩn, chống cháy… để tạo sản phẩm mới mang tính giới thiệu đẩy ra thị trường.

Muốn phát triển công nghiệp thời trang, cần có sự chuyển đổi phương thức marketing từ “kéo” (kéo khách hàng sang VN đặt hàng) sang “đẩy” (đẩy sản phẩm từ nguyên liệu mới của Việt Nam vào thị trường dệt may thế giới) cần sự chuẩn bị nhân lực để có thể thay đổi chiến lược marketing quan trọng này.

*Ngoài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì một trong những khó khăn với doanh nghiệp là chi phí logistic tăng phi mã và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vinatex có hướng đi thế nào để tháo gỡ khó khăn này, thưa ông?

– Chi phí logistic cho DN xuất khẩu gồm 2 phần: Chi phí logistic quốc tế và chi phí logistic nội địa.

Nếu chi phí logistic quốc tế cao, các nhà sản xuất dệt may trên thế giới cùng chia sẻ, chịu đựng không làm mất năng lực cạnh tranh của từng quốc gia, thị trường chấp nhận một mặt bằng mới, trong đó có sự chia sẻ giữa nhà phân phối, người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Tuy nhiên, chi phí logistic nội địa mỗi nước quyết định năng lực cạnh tranh của DN tại nước đó. Hiện nay, chi phí logistic nội địa tại Việt Nam đang cao nhất trong các nước sản xuất dệt may cạnh tranh. Trong tổng thể GDP của Việt Nam có tới 20% đóng góp của logistic, Trung Quốc là 14%, Băng la đét, Ấn Độ 11-12%. Như vậy, chi phí ở VN đang khá cao, nếu tính riêng trong kết cấu giá thành sản phẩm dệt may, logistic chiếm 9,3% giá thành. Tức là chi phí này đứng thứ 3 sau vải, nhân công khiến DN dệt may trong nước kém cạnh tranh hơn. Nếu giải quyết triệt được khâu này, đảm bảo chi phí nội địa tương đương với các quốc gia cạnh tranh, dệt may Việt Nam có cơ hội và tốc độ phát triển cao hơn nữa.

*Ông nhìn nhận thế nào về mục tiêu dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2022?

Thực tế năm 2022, chúng tôi dự báo ngành DMVN nói chung đạt KNXK 43 tỷ USD, theo 2 cơ sở: Thế giới dự báo tổng cầu dệt may tăng khoảng 3%. Cùng với đó, qua dịch bệnh, việc giữ được sự liên tục vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là một lợi thế. Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi khách hàng lớn, đơn hàng lớn trên thế giới quay trở lại đặt hàng. Tháng 1 vừa qua, một tổ chức quốc tế đánh giá 27 quốc gia sản xuất dệt may với mức độ hấp dẫn khi đặt hàng năm 2022, Việt Nam đứng đầu, đạt 59/75 điểm, quốc gia thứ 2 là Thổ Nhĩ Kỳ đạt 54 điểm, Trung Quốc đạt 54 điểm.

Đây là 2 tiền đề khách quan do nội lực của ngành dệt may Việt Nam, sức hấp dẫn và sự cạnh tranh của ngành, đạt mục tiêu tăng trưởng gần như gấp đôi so với tổng cầu thế giới, cải thiện thị phần của DMVN trên trường quốc tế.

Tất nhiên, thách thức còn nhiều, ngay trong những tháng đầu năm đã diễn ra rất nhiều tín hiệu khác nhau của thị trường từ giá dầu lên, khủng hoảng chính trị Nga- Ukraine, ngân hàng trung ương châu Âu, cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất…

Như vậy, sức ép làm thay đổi tổng cầu thế giới diễn ra rất nhanh. Có rất nhiều yếu tố có thể làm thay đổi hoạch định, theo dự báo giá dầu trên thế giới có nhóm nói lên tới 140-150 USD/thùng thì kinh tế thế giới sẽ không có tăng trường- đây là kịch bản xấu với các ngành sản xuất xuất khẩu phụ thuộc tổng cầu thế giới; có nhóm dự báo giá dầu ở mức 82-85 USD/thùng, thì có thể tăng trưởng 4,1% so với 5,7% của năm trước. Mục tiêu Việt Nam đạt hơn 43 tỷ USD KNXK dệt may là tương đối khả thi ở kịch bản này. Ngược lại, ở kịch bản xấu, một trong những khâu tiết giảm chi tiêu đầu tiên là hàng hóa thời trang.

Bài học 2020, khi thế giới dính dịch Covid-19 và đóng cửa toàn cầu thì ngành dệt may thời trang giảm rất lớn. Mặc dù Việt Nam giảm không nhiều, khoảng 8-9% nhưng nhiều quốc gia đã có mức giảm sâu, như: Ấn Độ, Băng la đét giảm khoảng 20%, tổng cầu thế giới cũng giảm mạnh. Đây là những bất định chúng tôi vẫn đang theo dõi sát và tìm giải pháp xử lý phù hợp.

Ngay thời điểm đầu năm, Tập đoàn DMVN đã tổ chức Hội thảo dự báo tình hình thị trường năm 2022. Hiện nay, dù đơn hàng ký đến tháng 6, nhiều đơn hàng hết cả năm những chưa thể khẳng định kết quả năm nay sẽ hoàn thành tốt với mục tiêu đặt ra, bởi rủi ro và biến động thị trường đang diễn ra rất nhanh và phức tạp.

Cần một môi trường vĩ mô ổn định

* Nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, Quốc hội đã có chủ trương lớn về giảm thuế và cấp bù lãi suất cho DN? Doanh nghiệp dệt may liệu có tiếp cận được với các chính sách này không, thưa ông?

– Quốc hội có Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Có thể nói, đây là Nghị quyết quan trọng về gói hỗ trợ cho ngành đông lao động như dệt may, như hỗ trợ tiền nhà 3 tháng, tiền quay trở lại thị trường lao động với công nhân, hỗ trợ lãi suất DN, tạo hành lang tốt, không khí tốt cho DN. Chúng ta đang chờ cách thức triển khai để DN có thể tiếp cận. Chờ hướng dẫn làm như thế nào để nhận hỗ trợ lãi suất, loại hình nào được hỗ trợ lãi suất… Bởi mỗi DN có đặc thù riêng, như DN dệt may hiện nay số dự án đầu tư mới không nhiều do dịch bệnh trong 2 năm qua, như vậy hỗ trợ cho đầu tư, DN ít được tiếp cận. Hỗ trợ cho vay vốn lưu động, hỗ trợ trả lương, lãi suất khoản vay ngắn hạn thì DN dệt may sẽ tiếp cận tốt, có được lợi ích khá cho DN.

*Cùng với sự hỗ trợ về chính sách ở thời điểm nhiều khó khăn, doanh nghiệp dệt may mong đợi gì để phát triển bền vững trong nền kinh tế toàn cầu, thưa ông?

Thực tế, DN không mong đợi hỗ trợ, bởi hỗ trợ là đang trong trạng thái khó khăn. DN luôn ý thức tự mình phải đứng vững. Chính vì thế doanh nghiệp mong đợi nhất là một môi trường vĩ mô ổn định để có thể sớm đánh giá những dự báo đưa vào kế hoạch và giải pháp trong sản xuất kinh doanh.

Chúng tôi mong đợi chính sách vĩ mô ổn định, đặc biệt là lãi suất chính thức của hệ thống ngân hàng, để DN cũng được tiếp cận bình đẳng với các quốc gia cạnh tranh khác. Nhiều quốc gia vốn vay chỉ 3-4%, còn chúng ta là 8-10%, thậm chí hơn 10% cho DN nhỏ, DN mới làm cho năng lực cạnh tranh của DN yếu đi.

Chúng tôi tiếp cận theo hướng làm sao để trong sân chơi cạnh tranh toàn cầu, DN Việt Nam không bị bất lợi hơn các DN khác do mặt bằng giá và chính sách nội địa. Giải quyết vấn đề này, chắc chắn phát huy được sức mạnh nội lực và quyết tâm của DN, sự sáng tạo của người Việt Nam để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: https://vinatex.com.vn


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn