Liên Xô tan rã và luận điệu do Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử” - Bài 2: Những điều căn cốt, thời sự
- Đối Ngoại Truyền Thông
- Lượt xem: 196
Như đã luận giải ở bài viết trước, trong các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô thì xét đến cùng là do nguyên nhân chủ quan quyết định. Sự sụp đổ đó là của mô hình cụ thể, chứ tuyệt nhiên không phải sự sụp đổ hay cáo chung của chủ nghĩa xã hội (CNXH) như thế lực thù địch, phản động thường xuyên tạc. Nhận diện đầy đủ và đúng bản chất vấn đề này là những điều có ý nghĩa căn cốt và thời sự với sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng của Việt Nam hiện nay.
Trong bài viết với tiêu đề “Vì sao Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã?” đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1992, GS, TS Nguyễn Phú Trọng (từ năm 2011 đến tháng 7-2024 là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) đã chỉ ra nguyên nhân có ý nghĩa quyết định làm tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô là quá trình “vận động” của chính đảng này. Về sau, Đảng ta khái quát quá trình “vận động” này và gọi đó là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được thể hiện trên nhiều bình diện.
Theo GS, TS Nguyễn Phú Trọng, có 5 biểu hiện của sự “vận động” đó. Một là, không xác lập đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Hai là, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng. Ba là, coi nhẹ hoặc phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng Cộng sản. Bốn là, xa rời quần chúng, mất uy tín nghiêm trọng trước nhân dân, không được nhân dân ủng hộ. Năm là, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, thổi lên ngọn lửa kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi.
Từ thực tiễn và lý luận cơ bản được Đảng ta tổng kết trong nhiều văn kiện, chúng ta có thể rút ra những bài học lớn với Việt Nam từ quá trình “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn tới hậu quả tan rã Liên bang Xô viết-cường quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới, như sau:
Thứ nhất, Liên Xô tan rã không phải do Cách mạng Tháng Mười là “sai lầm của lịch sử”. Từ khẳng định này, Đảng ta kiên định và quyết tâm đưa Việt Nam tiếp tục phát triển đi lên CNXH trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Với quyết tâm chính trị đó, Đại hội lần thứ VI (1986) của Đảng ta đã thông qua đường lối đổi mới đất nước. Tiếp đến, Đại hội lần thứ VII (1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, thể hiện lập trường kiên định của Đảng ta về mục tiêu và định hướng phát triển đi lên CNXH ở Việt Nam. Đường lối đổi mới của Đảng ta được thông qua tại Đại hội lần thứ VI trên cơ sở kế thừa sáng tạo Chính sách kinh tế mới của V.I.Lenin với nội dung cốt lõi là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thành công của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam kể từ Đại hội lần thứ VI của Đảng chứng tỏ giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Mười, mở ra kỷ nguyên quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) phát triển đi lên CNXH.
Thứ hai, không đồng nhất kinh tế thị trường với CNTB. Ở Liên Xô, trong giai đoạn “cải tổ” đã đồng nhất việc áp dụng cơ chế kinh tế thị trường với việc xóa bỏ chế độ XHCN và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Còn Đảng ta vận dụng chính sách kinh tế mới của V.I.Lenin để phát triển kinh tế thị trường nhằm giải phóng nguồn lực và phát triển sức sản xuất trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đảng ta cho rằng, việc áp dụng cơ chế kinh tế thị trường phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học và phát triển, không đồng nhất kinh tế thị trường với CNTB. Trên cơ sở đó, Đảng ta đề ra chủ trương xây dựng ở Việt Nam nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ba là, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, coi đó là yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng ta về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đã xác định rõ, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng ở nước ta. Vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với cách mạng Việt Nam đã được xác định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013.
Bốn là, kiên quyết và kiên trì đấu tranh nhằm ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kết hợp với việc cảnh giác và làm thất bại âm mưu“diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Rút kinh nghiệm từ tác động phá hoại hết sức nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch kết hợp với quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đảng ta đặc biệt chú ý đấu tranh ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống đang diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã sớm cảnh báo hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển, hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời. Từ giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta tiếp tục cảnh báo tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển, là hiểm họa đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ XHCN. Với quyết tâm chính trị cao và các giải pháp đồng bộ, Đảng ta đã bước đầu ngăn chặn được hiểm họa này.
Tổng kết thành tựu và kinh nghiệm 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, ngày 30-10-2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Nghị quyết đã chỉ rõ nguyên nhân, biểu hiện và biện pháp phòng, chống hiểm họa này.
Lễ mít-tinh kỷ niệm 106 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva (Ngày 7-11-2023). Ảnh: nhandan.vn
Trong số các nguyên nhân, Nghị quyết số 04-NQ/TW chỉ rõ nguyên nhân khách quan do tác động từ khủng hoảng của CNXH trên thế giới sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu; từ mặt trái của kinh tế thị trường; tác động tiêu cực từ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những khó khăn, thách thức của các nước đi theo con đường XHCN trong bối cảnh quốc tế hiện nay; các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình".
Trong số các nguyên nhân chủ quan, Nghị quyết số 04-NQ/TW chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả; một số nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tiên phong, gương mẫu; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm; chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Nghị quyết số 04-NQ/TW đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết xác định phải thực hiện nghiêm các yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề ra tại Đại hội XII với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng.
Đến nay, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng cùng những mục tiêu lớn lao vào thời điểm trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045), xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Với thành tựu trong công cuộc đổi mới và từng bước đạt được các mục tiêu cao cả, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định giá trị bất biến của Cách mạng Tháng Mười là mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên toàn thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo.
Đại tá LÊ THẾ MẪU, nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng