Kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng
- Đối Ngoại Truyền Thông
- Lượt xem: 183
Với sự phát triển của các hình thức truyền thông mới, không gian mạng ngày càng trở thành môi trường quan trọng cung cấp thông tin, qua đó tác động sâu sắc đối với nhận thức, tình cảm, tư tưởng... của người dân. Đồng thời, các vấn nạn như tin giả, tin xấu, tin xuyên tạc... cũng tác động không nhỏ đối với nhận thức xã hội, gây ra nhiều khó khăn, thách thức với các chính đảng cầm quyền trên thế giới. Với cách tiếp cận toàn diện, khoa học, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống giải pháp thống nhất, hiệu quả đối với công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng.
Người dân Trung Quốc tìm hiểu về công nghệ tại triển lãm công nghệ số tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 18-7-2023 (Ảnh: THX)
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC VỀ ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Không gian mạng ngày càng trở thành phương tiện tiếp cận thông tin chủ yếu của người dân Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các luồng thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội trên không gian mạng đã và đang tác động trực tiếp đến nhận thức, hành động, định hướng giá trị, quan điểm sống và cả tư tưởng chính trị của người dân Trung Quốc. Những khía cạnh mới của xã hội dẫn đến phát sinh nhiều dòng ý thức khác nhau. Trên không gian mạng tồn tại và phát triển không ít quan điểm đi ngược với tư tưởng chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, những luồng tư tưởng phản động, thông tin xấu độc nảy sinh cả từ bên trong và bên ngoài. Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định có hai trào lưu chủ yếu mưu toan chống phá Đảng trên không gian mạng:
Thứ nhất, trào lưu tư tưởng gây tác hại trực tiếp, hòng làm xói mòn vị thế của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tư cách là một trụ cột đầu tiên, quan trọng nhất trong hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm 6 thành tố (Chủ nghĩa Mác - Lê-nin; Tư tưởng Mao Trạch Đông; Lý luận Đặng Tiểu Bình; Tư tưởng “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân; Tư tưởng “Phát triển khoa học” và “xã hội hài hòa” của Hồ Cẩm Đào; và Tư tưởng Tập Cận Bình về xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, gọi tắt là “Tư tưởng Tập Cận Bình”). Các trào lưu tư tưởng này luôn tìm cơ hội gây ảnh hưởng, ra sức thách thức vai trò chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, công kích, phủ định tính tất yếu về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể chế chính trị và con đường phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Thứ hai, thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực phản động luôn tìm cách trực tiếp tấn công vào các sự kiện chính trị, các quyết sách chính trị, vấn đề cán bộ lãnh đạo (nhiều nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao), phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phủ nhận vị thế của các đảng phái chính trị dân chủ, xuyên tạc rằng các đảng phái chính trị dân chủ chỉ có vị thế “hình thức” (cho rằng 8 đảng phái chính trị dân chủ thực chất chỉ tồn tại hình thức, không được tham chính sâu rộng). Đối tượng mà các thế lực thù địch tiếp cận là hơn một tỷ người sử dụng internet thường xuyên, qua báo chí ngoài lề (chủ yếu là các báo chí chống phá các thế lực thù địch lập ra từ ngoài lãnh thổ Trung Quốc). Chúng chủ yếu nhắm vào những người dân thường, lực lượng có trình độ thấp, non kém về lập trường và thế hệ trẻ đang trong giai đoạn định hình tư tưởng. Ngoài ra, không ít cư dân mạng vì hoàn cảnh cá nhân, vì tham vọng chính trị hay vì là nạn nhân của các bất công xã hội, đã tự nguyện trở thành “tù nhân” của các dòng tư tưởng tiêu cực và độc hại, một số “tiên phong” tiếp nhận các luồng tư tưởng trên và dùng nó để chống phá tư tưởng, tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1).
Như vậy, không gian mạng đã và đang trở thành “bộ nguồn” và “bộ khuếch đại” lây lan dư luận tiêu cực, thông tin không chính xác, thúc đẩy truyền bá những tư tưởng sai trái, gia tăng thách thức đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc định hướng dư luận và truyền bá tư tưởng chính thống. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: “Internet giống như con dao hai lưỡi. Một bức ảnh hay, một đoạn video được cập nhật có thể tạo thành một vụ nổ lan truyền trên toàn bộ các phương tiện truyền thông trong vài giờ, có tác động rất lớn đến lĩnh vực dư luận xã hội. Internet có thể được sử dụng cho những việc ích nước, lợi dân. Song, nếu không sử dụng đúng thì có thể gây ra những tác hại khó lường. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc cần có lập trường rõ ràng, kiên định đường lối chính trị, định hướng dư luận, định hướng giá trị đúng đắn trên không gian mạng(2).
Từ bối cảnh trên, kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII (năm 2012) đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây dựng và hoàn thiện lý luận, phương án tổ chức toàn diện về quản lý không gian mạng, nhất là quản lý công tác tư tưởng, dư luận trên mạng không gian mạng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần trực tiếp đề cập đến vấn đề này thông qua các bài phát biểu và bài viết, được thể hiện ở các nội dung chủ yếu như sau:
Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với công tác an ninh mạng và tin học hóa để bảo đảm sự nghiệp an ninh mạng và quá trình đẩy mạnh tin học hóa, công nghệ hóa luôn đi đúng hướng(3). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hệ thống chính trị Trung Quốc, nhất là các cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp, phải kiên quyết thực hành quản lý không gian mạng theo luật, điều hành theo luật, lướt web theo luật. Cần tăng cường quản trị không gian mạng theo pháp luật, tăng cường xây dựng nội dung trực tuyến, tăng cường công khai trực tuyến tích cực, chủ động đi trước để dẫn dắt tư tưởng, không để tình trạng “chạy theo đấu tranh với các thế lực thù địch”, không để tình trạng “thông tin tốt luôn đi sau thông tin xấu của các thế lực thù địch”(4).
Hai là, vì không gian mạng là “ngôi nhà tinh thần” của hàng trăm triệu người hằng ngày, thậm chí hàng tỷ người dùng thường xuyên, cho nên không gian mạng cũng chính là biến số lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt, một thách thức mà giai đoạn trước không phải đối mặt. Trên “chiến trường” không gian mạng, việc có thể trụ vững và thắng trận hay không có liên quan trực tiếp đến an ninh chính trị của đất nước. Phải coi không gian mạng là một mặt trận chính trong công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc; là nơi phải được cải biến trở thành một môi trường thực sự trong sạch; là nơi tích cực giải thích con đường phát triển của Trung Quốc, tuyên truyền những điều tốt đẹp; là nơi thảo luận về các đặc trưng, bản sắc của Trung Quốc; là nơi toàn dân hiến kế cho sự phát triển quốc gia(5). Từ đó, Trung Quốc tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác tuyên truyền, tư tưởng; đồng thời, tuân thủ rõ ràng sự quản lý của Đảng đối với công tác tuyên truyền, tư tưởng, lấy công tác dư luận xã hội trên không gian mạng làm nhiệm vụ hàng đầu của công tác tuyên truyền và tư tưởng(6).
Ba là, cần chủ động xây dựng hàng rào an ninh mạng quốc gia. Bởi, an ninh mạng tác động tổng thể và sâu rộng đến an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự và các lĩnh vực khác, không có an ninh mạng thì không có an ninh quốc gia, không có ổn định kinh tế - xã hội, khó bảo vệ lợi ích cho đông đảo quần chúng nhân dân. Vì vậy, an ninh mạng được duy trì thông qua sự phối hợp phát triển và bảo mật, nâng cao hệ thống bảo vệ an ninh, đẩy nhanh quá trình nội địa hóa công nghệ thông tin, loại bỏ sự lệ thuộc công nghệ bên ngoài, tăng cường an ninh chuỗi cung ứng, tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu quan trọng, nghiêm khắc trấn áp tội phạm trên không gian mạng, tăng cường xây dựng ngành an ninh mạng, nhân lực và kỷ luật, kiên quyết xây dựng rào cản mới cho an ninh mạng quốc gia, bảo vệ hiệu quả an ninh mạng quốc gia và lợi ích của quốc gia - dân tộc(7).
Bốn là, thực hiện sự thống nhất, cộng hưởng trên không gian mạng và môi trường xã hội thực tế, điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là xây dựng “vòng tròn đồng tâm trên mạng và trên thực tế”. Để xây dựng “vòng tròn đồng tâm” cần tập hợp sự đồng thuận xã hội, củng cố nền tảng tư tưởng cho sự thống nhất của toàn Đảng và nhân dân cả nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, sự phát triển của internet là một bước tiến lớn về công nghệ, nhưng cũng là một thách thức lớn trong khâu quản lý. Vì vậy, mỗi cấp ủy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp phải có trách nhiệm nâng cao năng lực và trình độ quản trị trên không gian mạng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc (Ảnh: TTXVN)
PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
Trước hết, theo quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, để chiến thắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng, phải nâng cao khả năng quản lý toàn diện, hình thành cơ cấu quản trị đồng bộ, có sự tham gia của nhiều bên, như Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dùng. Sự tham gia đó được thực hiện trên nhiều phương diện, như kinh tế, pháp lý và công nghệ,...
Từ năm 2011, Chính phủ Trung Quốc thành lập Cục quản lý mạng, chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban Trung ương về các vấn đề không gian mạng, một cơ quan trực thuộc Trung ương Đảng. Đến năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã cơ cấu lại Cục Quản lý mạng thành Văn phòng Thông tin internet quốc gia. Văn phòng là một cơ quan hành chính chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin internet quốc gia; đồng thời giám sát, quản lý việc thực thi pháp luật các vấn đề về internet. Đối với sự lãnh đạo của Đảng, tháng 3-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất đổi Tiểu Tổ chỉ đạo an ninh mạng và tin học Trung ương thành Ủy ban chỉ đạo an ninh mạng và tin học Trung ương nhằm tăng cường sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cho đến nay, Ủy ban chỉ đạo được hình thành tương ứng với các cấp trung ương, tỉnh, phó tỉnh và huyện. Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ cấp cao phải chủ động thích ứng với yêu cầu tin học hóa, tăng cường tư duy và hiểu biết sâu rộng về internet, không ngừng nâng cao năng lực nắm bắt quy luật vận hành internet, chủ động định hướng dư luận trên mạng, kiểm soát sự phát triển của tin học hóa, bảo đảm an ninh mạng(8).
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế lãnh đạo toàn diện công tác tư tưởng trên không gian mạng, năm 2019, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định ban hành “Quy định về công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Trong đó, đưa quản lý internet là một trong những nội dung quản lý tuyên truyền của Đảng nhằm thực hiện nhiệm vụ chung “một giương cao”, “hai củng cố” và “ba xây dựng”(9).
Về xây dựng các thể chế luật pháp, ban đầu Chính phủ Trung Quốc chỉ ban hành Quy định bảo vệ an ninh hệ thống thông tin máy tính, trong đó trách nhiệm bảo vệ an ninh trên không gian mạng là của Bộ Công an. Đến năm 1996, Trung Quốc mở rộng việc quản lý, kiểm soát không gian mạng khi ban hành Quy định tạm thời về quản lý kết nối quốc tế của mạng thông tin máy tính. Một trong những nội dung của quy định là các nhà cung cấp dịch vụ internet phải được cấp phép và lưu lượng truy cập internet phải đi qua 4 nhà cung cấp internet chính của Trung Quốc là ChinaNet, GBNet, CERNET hoặc CSTNET. Ngay từ năm 2000, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Quy định số 292, theo đó các trang web có trụ sở tại Trung Quốc không thể liên kết với các trang web tin tức nước ngoài hoặc phân phối tin tức từ các phương tiện truyền thông nước ngoài nếu không có sự cho phép của cơ quan nhà nước. Quy định này nêu rõ, các nhà cung cấp nội dung chịu trách nhiệm bảo đảm tính hợp pháp của bất kỳ thông tin nào được phổ biến thông qua các dịch vụ của họ. Năm 2017, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã tác động đến nền tảng tư tưởng, cấu trúc xã hội, cách thức quản trị quốc gia... Quốc hội Trung Quốc đã ban hành Luật An ninh mạng. Đây là luật đầu tiên điều chỉnh một cách toàn diện vấn đề quản lý an ninh mạng. Trong đó, Điều 12 quy định cá nhân, tổ chức sử dụng không gian mạng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn trật tự công cộng, tôn trọng đạo đức xã hội; không được gây nguy hiểm cho an ninh mạng, không được sử dụng không gian mạng để tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh, danh dự và lợi ích quốc gia; không được kích động lật đổ chủ quyền, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, kích động ly khai, phá vỡ đoàn kết dân tộc, cổ xúy chủ nghĩa khủng bố hoặc chủ nghĩa cực đoan, cổ xúy hận thù dân tộc và phân biệt đối xử dân tộc, truyền bá thông tin bạo lực, khiêu dâm, tạo hoặc phổ biến thông tin sai lệch nhằm phá hoại nền kinh tế - xã hội hoặc thông tin xâm phạm uy tín, quyền riêng tư, quyền sở hữu trí tuệ hoặc các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác. Đến năm 2021, Quốc hội Trung Quốc tiếp tục ban hành “Luật Bảo mật dữ liệu”, “Luật Bảo vệ thông tin cá nhân”,... để điều chỉnh hoạt động xử lý dữ liệu mạng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng(10).
Văn phòng Thông tin internet quốc gia và các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ Trung Quốc đã lần lượt ban hành các quy định và biện pháp nhằm cụ thể hóa Luật An ninh mạng(11). Đặc biệt, “Quy định về quản lý sinh thái nội dung thông tin mạng” (năm 2019) do Văn phòng Thông tin internet quốc gia ban hành, xác định lấy việc trau dồi và thực hành các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa và xây dựng hệ sinh thái không gian mạng tốt làm mục tiêu cơ bản, lấy nội dung thông tin làm đối tượng quản trị chính và thúc đẩy hơn nữa việc cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản trị mạng toàn diện. Gần đây nhất, tháng 10 năm 2023, Thủ tướng Lý Cường ký ban hành “Quy định về bảo vệ người chưa thành niên trên internet” để tạo ra một môi trường trực tuyến có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người thành niên và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên(12).
Thứ hai, để xác định rõ đối tượng, khu vực trên không gian mạng thường gây tác động tiêu cực tới các vấn đề về tư tưởng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định nhiệm vụ cụ thể trong giải quyết và đối phó đối với từng khu vực trên mặt trận tư tưởng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ rõ: Lĩnh vực tư tưởng và dư luận nói chung có ba khu vực: đỏ, đen và xám. Trong số đó, vùng màu đỏ là nơi người sử dụng mạng ủng hộ và tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc. Đây là vùng nhất định phải duy trì, bảo vệ và lan tỏa. Vùng màu đen chủ yếu là thông tin, dư luận tiêu cực nên phải kiên quyết kiểm soát nó, thực hiện bao vây, cô lập sự lan tỏa của nó và dần dần thúc đẩy nó thay đổi sang các màu sáng hơn. Tại vùng màu xám, cần chủ động tích cực đấu tranh mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành vùng màu đỏ và ngăn không cho nó thoái hóa thành vùng màu đen(13). Với hai vùng có màu tiêu cực, cần tích cực thu hút người sử dụng mạng bằng những chính sách và phương pháp mới, như thông qua thiết lập các kênh liên lạc thường xuyên, tăng cường tương tác trực tuyến và trực tiếp, từng bước tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị để người sử dụng trong từng khu vực tự hình thành quan điểm tích cực, góp phần thanh lọc không gian mạng.
Từ việc xác định “vùng tư tưởng” trên, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm công tác giám sát trên không gian mạng, bỏ thói quen phán xét chỉ bằng kinh nghiệm và trực giác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ phải thu thập được thông tin từ quá trình lao động, sản xuất và vận hành đời sống của người dân trên mọi lĩnh vực. Từ đó, nắm bắt kịp thời dư luận, tình hình sự việc một cách toàn diện, hướng tới việc đưa ra các quyết định, dự đoán khoa học và chính xác hơn về các diễn biến trên không gian mạng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các ngành quản lý công tác tư tưởng và tuyên truyền các cấp phải tích cực nghiên cứu, xây dựng hệ thống giám sát tư tưởng, dư luận xã hội trên không gian mạng, để công tác giám sát tư tưởng và dư luận xã hội trên không gian mạng được bao quát toàn diện; đặc biệt, tăng cường thu thập ý kiến quần chúng dựa trên các phương tiện truyền thông xã hội mới, phổ biến, như nền tảng Weibo, Wechat; xây dựng một hệ thống kiểm soát và phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch một cách toàn diện; sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng phát hiện, theo dõi, ngăn chặn, xóa kịp thời nhất các thông tin cổ xúy tư tưởng sai trái; khuyến khích người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội phản ánh thông tin sai trái, thù địch bằng các hình thức khen thưởng; thực hiện cơ chế giám sát hiệu quả các trang web, blog, diễn đàn và tài khoản công cộng; tăng cường chỉ đạo việc biên soạn các bài báo lý luận, chuyên khảo lý luận, văn học, điện ảnh, truyền hình mang tính tích cực để “đẩy có chủ đích” vào các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông thu hút nhiều người dùng.
Thứ ba, chủ động đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước Trung Quốc lên không gian mạng nhằm mục tiêu đề cao vai trò công tác định hướng tư tưởng, công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, niềm tin, tích cực tu dưỡng và thực hành các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Nổi bật là, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập sâu rộng, như Hội nghị phát động sâu rộng việc giáo dục lịch sử Đảng (năm 2021) đã tạo ra bầu không khí sôi nổi trong việc nghiên cứu lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, tôn vinh các anh hùng và liệt sĩ, tổng kết kinh nghiệm lịch sử, nêu bật những thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc(14)... nhằm góp phần dọn sạch hiện tượng “ô nhiễm tư tưởng” trên không gian mạng. Ngoài ra, trong công tác thông tin đối ngoại, các phương tiện truyền thông xã hội tập trung vào việc thúc đẩy xây dựng năng lực truyền thông quốc tế, nâng cao sức mạnh mềm về văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục... của Trung Quốc với thế giới.
MỘT SỐ GỢI MỞ TỪ PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG CỦA TRUNG QUỐC
Trung Quốc đã xây dựng một nền tảng lý luận và quan điểm về bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng. Nền tảng lý luận đó được Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá là một phần quan trọng trong Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Coi đó như một bản tóm tắt lý thuyết về kinh nghiệm thực tiễn của Đảng trong quản lý internet, quản lý không gian mạng và hướng dẫn hành động cho sự phát triển của internet(15). Trung Quốc không chỉ đề cao vai trò của không gian mạng đối với phát triển kinh tế - xã hội, mà còn trực tiếp tác động đến công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến nền tảng tư tưởng của toàn xã hội và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Từ kinh nghiệm của Trung Quốc có thể gợi mở một số điều đáng suy ngẫm: tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm rõ, đặc biệt là những nghiên cứu mang tính định lượng về tác động của không gian mạng đối với người sử dụng trên các vấn đề tư tưởng, lối sống; dự báo những thay đổi và tác động của không gian mạng đối với nhận thức của xã hội cũng như tác động tới nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cấp tổng thể mô hình tổ chức, công nghệ, trách nhiệm của cơ quan quản lý internet quốc gia một cách tập trung, thống nhất, tránh sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ; phát động chiến dịch toàn dân sử dụng internet lành mạnh, có sàng lọc kỹ về thông tin, thực sự khoa học; thúc đẩy nhận thức một cách tổng thể về tính nguy hại thực sự nếu không kiểm soát tốt mạng xã hội, không sử dụng khôn ngoan mạng xã hội. Từ đó, phát triển và hình thành một hệ thống quan điểm chiến lược về quản trị không gian mạng trong kỷ nguyên chuyển đổi số... Cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện liên tục hệ thống pháp luật về không gian mạng, bảo đảm sự tương thích với pháp luật về an ninh mạng. Đặc biệt, cần xác định rõ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là công việc hằng ngày, lâu dài, không chỉ là một chiến dịch rầm rộ ngày một ngày hai; không chỉ là công việc của riêng các nhà nghiên cứu và các cơ quan chức năng, mà cần sự tiếp sức, hỗ trợ về cơ chế một cách đầy đủ của Đảng và sự vào cuộc chủ động bằng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của toàn dân./.
TS NGUYỄN ĐÌNH THUẬN