Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948 -16/10/2023)
- Đối Ngoại Truyền Thông
- Lượt xem: 3466
I- Nội dung tuyên truyền 75 năm Ngày truyền thống Ngành kiểm tra của Đảng
Trong 93 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử cao cả của mình là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26/1/2023 “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Có được những thành tựu đó là nhờ chủ trương đường lối đúng đắn, sáng tạo; là sự kết hợp của các phương thức lãnh đạo khoa học, trí tuệ, tài tình, đầy giá trị nhân văn; trong đó có phương thức lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát. Chính vì thế, mỗi chúng ta, nhất là những cán bộ, đảng viên làm công tác kiểm tra của Đảng đều có quyền tự hào rằng, 75 năm qua là chặng đường vẻ vang, đánh dấu sự hình thành, phát triển đi lên của Ngành Kiểm tra Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; tạo sự đoàn kết thống nhất và từng bước đảm bảo thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Từ ngày đầu thành lập đến năm 1948, công tác kiểm tra của Đảng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo các cấp ủy và các tổ chức đảng thực hiện (thời gian này, Đảng chưa thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách).
Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng được chính thức thành lập, từng bước phát triển, ngày càng được kiện toàn và lớn mạnh, đó là: Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng thành lập theo Quyết định số 29/NQ/TW, ngày 16/10/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa 1) do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Thận) ký; ngày đó trở thành Ngày Truyền thống của Ngành Kiểm tra Đảng. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 03 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc), đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban, dưới Ban Kiểm tra là các phái viên có nhiệm vụ “Đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”.
Nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951-1960), Điều lệ Đảng quy định “Ban Chấp hành Trung ương, các xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu), thành ủy, tỉnh ủy cử ra một số ủy viên lập thành Ban Kiểm tra của cấp mình. Tháng 3/1951, Ban Chấp hành Trung ương cử ra Ban Kiểm tra Trung ương gồm các đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Chánh do đồng chí Hồ Tùng Mậu là Trưởng ban. Trung ương có Nghị quyết: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”; đồng chí Hồ Tùng Mậu là Trưởng ban Kiểm tra Đảng kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến ngày 25/4/1956, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 263/SL cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ X (tháng 3/1957) quyết nghị kiện toàn Ban Kiểm tra Trung ương gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban. Tháng 4/1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp hiện nay chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban Thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp ủy và ủy ban hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của Chính quyền được tách riêng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960-1976), Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa III) đã chỉ định, bổ sung 6 đồng chí.
Ở miền Nam, do điều kiện chiến tranh, nên trước năm 1969, hầu hết chưa thành lập cơ quan kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra nói chung do cấp ủy thực hiện. Ngày 14/8/1969, Trung ương Cục miền Nam và Nghị quyết số 13 về việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp; từ đó Ban Kiểm tra Trung ương Cục được thành lập do đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban.
Ở khu V, Ban Kiểm tra Khu ủy thành lập tháng 3/1970, do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng ban, sau đó ban kiểm tra ở các tỉnh, thành, huyện, ... lần lượt được thành lập. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976-1982), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 17 đồng chí, do đồng chí Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng được bầu làm Trưởng ban.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982-1986), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 10 đồng chí, do đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986-1991), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991-1996) Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 09 Đồng chí, do đồng chí Đỗ Quang Thắng, Bí thư Trung ương Đảng (sau đó được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị) làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996-2000), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ (2000-2005) Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 09 đồng chí, do đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng làm Chủ nhiệm. Tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá IX (tháng 01/2003) đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ được bầu vào Ban Bí thư và được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thay đồng chí Lê Hồng Anh đảm nhiệm công tác khác, và bầu bổ sung 05 đồng chí thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 14 thành viên do đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm. Sau bầu cử Quốc hội khoá XII (tháng 7 năm 2007), đồng chí Nguyễn Thị Doan và đồng chí Trần Văn Truyền, Phó chủ nhiệm được phân công nhiệm vụ mới nên tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X bầu bổ sung 03 đồng chí thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1/2011), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 thành viên do đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 thành viên do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm; đến tháng 5/2018, đồng chí Trần Quốc Vượng chuyển công tác, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1/2021), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 19 thành viên do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, đến nay số thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương là 21 đồng chí.
Trải qua 75 năm phát triển và trưởng thành, Ngành Kiểm tra Đảng luôn luôn ý thức được rằng: Công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, đó là mục tiêu để xây dựng phương hướng, chương trình hành động của mình. Mặc dù có nhiều khó khăn về lực lượng, năng lực, đội ngũ cũng như điều kiện hoạt động, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, Ngành Kiểm tra đã từng bước trưởng thành. Trong mọi thời kỳ cách mạng kể cả những thời điểm thử thách gay go, quyết liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, liên tục, bền bỉ phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ được giao, không ngừng vun đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng.
II. Nội dung tuyên truyền về công tác kiểm tra của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Năm 2007, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương được Bộ Chính trị thành lập sau khi quyết định kết thúc hoạt động của 7 đảng bộ khối các cơ quan Trung ương. Đảng bộ Khối bao gồm các tổ chức đảng từ các đảng bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối cơ quan kinh tế Trung ương; trực thuộc các đảng ủy cơ quan bộ, ngành; trực thuộc một số cấp ủy địa phương và Đảng bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về.
UBKT Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2007 - 2010 được Ban Bí thư chỉ định gồm 09 đồng chí, trong đó 03 đồng chí là ủy viên chuyên trách. Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối là Chủ nhiệm UBKT, đồng chí Nguyễn Quốc Ngữ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối là Phó Chủ nhiệm; Cơ quan UBKT Đảng ủy Khối khi mới thành lập có 05 đồng chí; có 03 phòng, gồm Văn phòng và các phòng nghiệp vụ I, II.
Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã bầu 10 đồng chí Ủy viên UBKT Đảng ủy Khối, trong đó có 05 đồng chí ủy viên chuyên trách. Đồng chí Đặng Hùng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối là Chủ nhiệm UBKT, các phó chủ nhiệm là đồng chí Đinh Mạnh Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và đồng chí Nguyễn Hồng Dũng. Đầu nhiệm kỳ, Cơ quan UBKT Đảng ủy Khối có 09 cán bộ, đến cuối nhiệm kỳ, có 12 cán bộ; Cơ quan UBKT Đảng ủy Khối có 04 phòng, gồm Văn phòng và các phòng nghiệp vụ I, II, III.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã bầu 11 đồng chí UBKT Đảng ủy Khối, trong đó có 06 đồng chí ủy viên chuyên trách. Đồng chí Đặng Hùng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối là Chủ nhiệm UBKT; các phó chủ nhiệm là đồng chí Đinh Mạnh Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, đồng chí Nguyễn Hồng Dũng và đồng chí Trần Mạnh Tuấn. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Cơ quan UBKT có 13 cán bộ; đầu nhiệm kỳ, Cơ quan UBKT có 04 phòng gồm Văn phòng và các phòng nghiệp vụ I, II, III; từ ngày 02/5/2018 đến nay, thực hiện đề án văn phòng một cấp, Cơ quan UBKT Đảng ủy Khối còn 03 phòng nghiệp vụ I, II và III.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã bầu 11 đồng chí Ủy viên UBKT, trong đó có 07 đồng chí ủy viên chuyên trách. Đồng chí Phan Công Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối là Chủ nhiệm UBKT; các phó chủ nhiệm là đồng chí Bùi Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối và đồng chí Đặng Đình Bảo. Hiện nay, Cơ quan UBKT Đảng ủy Khối có 12 cán bộ.
Qua 15 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương (2007 - 2023), bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà trực tiếp là sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBKT Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát luôn được Đảng bộ Khối quan tâm và thực hiện toàn diện, thực hiện đúng phương châm "giám sát mở rộng", "kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm", cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối đã giám sát chuyên đề đối với 24.407 lượt tổ chức đảng và 127.845 lượt đảng viên, kiểm tra 18.983 lượt tổ chức đảng và 103.464 lượt đảng viên (trong đó, có 48.104 lượt cấp uỷ viên các cấp). Cùng với đó, uỷ ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 152 tổ chức đảng và 914 đảng viên (trong đó có 273 cấp uỷ viên các cấp); kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật và kiểm tra tài chính đảng đối với 28.997 lượt tổ chức đảng cấp dưới. Cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã giải quyết tố cáo đối với 26 tổ chức đảng và 327 đảng viên, giải quyết khiếu nại kỷ luật đối với 23 đảng viên; thi hành kỷ luật 59 tổ chức đảng cấp dưới và 3.528 đảng viên (trong đó có 643 cấp uỷ viên các cấp). Qua kiểm tra, giám sát, cấp uỷ, UBKT các cấp đã đánh giá đúng ưu điểm, đồng thời chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa, nhất là những khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, chấp hành quy chế làm việc, công tác cán bộ và trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của các doanh nghiệp nhà nước trong Khối… đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tích cực ngăn chặn, phòng ngừa sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối.
Với những kết quả đạt được, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã góp phần để Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất năm 2015, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2020.
Đồng thời, ghi nhận thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng bộ Khối thời gian qua, Cơ quan UBKT Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 năm 2013, Huân chương Lao động Hạng nhì năm 2018; được Thủ tướng Chính phủ, UBKT Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tặng nhiều cờ, bằng khen, giấy khen.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ tiếp tục “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; xây dựng và thực hiện nghiêm túc chương trình kiểm tra, giám sát. Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác nội chính, thanh tra, kiểm toán; phát huy vai trò nòng cốt của UBKT các cấp”. Để phát huy những thành tích đã đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp trong Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, 4, 5 và 6 khoá XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung sau:
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng:
- Các cấp uỷ, tổ chức đảng gương mẫu thực hiện và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa cấp uỷ và ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Cải tiến, đổi mới phương pháp, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, tổ chức đảng và UBKT các cấp đảm bảo khoa học, dân chủ, chặt chẽ và phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp, đơn vị. Các cấp uỷ, UBKT chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, tổ chức thực hiện hoàn thành chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm, kịp thời phát hiện, ngăn ngăn ngừa khuyết điểm, vi phạm; xử lý nghiêm minh tổ chức đảng, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm, đồng thời bảo vệ những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thẳng thắn, trung thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, UBKT cấp trên đối với cấp uỷ, UBKT cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên, mở rộng nội dung giám sát theo chuyên đề; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc và đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh.
- Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện và đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tập trung kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu và cán bộ chủ chốt ở những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, nơi có nhiều bức xúc nổi cộm, báo chí và dư luận quan tâm phản ánh; xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để khuyết điểm tích tụ thành vi phạm. Thực hiện nghiêm túc việc chất vấn, giải trình của cán bộ chủ chốt doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị với cấp uỷ, tổ chức đảng khi cần thiết.
- Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra Đảng với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm soát của doanh nghiệp và của các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, tránh chồng chéo, trùng lặp lãng phí nguồn lực. Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của UBKT các cấp gắn với vai trò của các cơ quan tham mưu khác của cấp uỷ đảng trong thực hiện nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
- Tiếp tục kiện toàn UBKT, quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan UBKT của đảng uỷ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, quan tâm bổ sung biên chế cho Cơ quan UBKT Đảng uỷ Khối và các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối.
Hai là, tiếp tục thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí":
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 Khoá X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí", các Nghị quyết Trung ương 4 Khoá XI, XII và XIII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; triển khai thực hiện kịp thời các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương (theo Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương).
- Kiên quyết, kiên trì, liên tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện với xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, hành vi can thiệp, cản trở việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ".
- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí, hành động trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp uỷ, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức, kiên trì xâ dựng văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và người lao động. Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Tiếp tục triển khai nghiêm túc và có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị để phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc về kinh tế, tham nhũng, lãng phí phát sinh; kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, uy tín thấp; xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho cấp dưới, người lao động và trong giao dịch với khách hàng.
- Chú trọng lựa chọn, bố trí người có phẩm chất đạo đức vào cơ quan thực hiện nhiệm vụ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của cấp uỷ, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối.
Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Kiểm tra Đảng và 16 năm thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Khối đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, không ngừng vun đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang của Ngành Kiểm tra Đảng: “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy”.