TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Bạn đánh giá: 1 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Sau 2 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, sáng nay, 17.5, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII đã họp phiên bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -6

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự bế mạc hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Trong phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và nhất trí cao với các nội dung nêu trong Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, và cho rằng, việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc; việc xem xét, cho ý kiến diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm cao.

Lãnh đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Về nhìn lại nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cho rằng: Từ sau Đại hội XIII đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Đại dịch Covid-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống; biến đổi khí hậu, thiên tai, động đất... diễn ra với tần suất cao hơn, gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, khu vực; tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, dưới tác động của tình hình thế giới và hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,... kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề; hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; vừa phải tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ chúng ta nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Trong bối cảnh tình hình đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực, Tổng Bí thư khẳng định.

Trong đó, về kinh tế - xã hội, chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả. Đến nay, dịch Covid - 19 và các loại dịch bệnh khác đã cơ bản được kiểm soát; đời sống xã hội và các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại tương đối bình thường. Trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, có nhiều rủi ro, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng khá. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu

Các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại... đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt là, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định. Nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý tình trạng các ngân hàng thương mại yếu kém; những doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Đặc biệt, có một điểm mới rất quan trọng của nhiệm kỳ này là, chúng ta đã ban hành và chỉ đạo tổ chức rất thành công các Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở toàn bộ 6 Vùng kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, cả về lý luận và thực tiễn, trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Trong khó khăn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức rất thành công, đã tạo ra một nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, được dư luận rộng rãi trong cả nước hoan nghênh và đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hóa, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi. Kết quả là: An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, trong phòng, chống đại dịch Covid-19, truyền thống anh hùng, yêu nước, "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta và tính ưu việt của chế độ ta lại được phát huy lên một tầm cao mới (đã giải ngân 104 nghìn tỉ đồng, hỗ trợ cho gần 58 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động).

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh một số nội dung về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -3Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Những kết quả, thành tựu chủ yếu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay như vừa nêu trên đây có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là do có thành công rất tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng với những chủ trương, đường lối đã được thực tế thời gian qua chứng minh là đúng đắn, phù hợp; sự lãnh đạo, chỉ đạo vững vàng, sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp; sự đoàn kết thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị; phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tinh thần lao động tích cực, sáng tạo, trách nhiệm của nhân dân; sự tín nhiệm, đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Luôn nắm vững, nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc, chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước

Từ thực tế lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư cho biết, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Trong đó, trước hết, phải luôn luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Thực hiện thật tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết thống nhất; kiên định, nhất quán, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới. Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn có nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra họp bàn, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn và phù hợp với tình hình.

Thứ hai, phải bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng và thực hiện cho bằng được chương trình công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng, hàng tuần theo đúng kế hoạch; đồng thời nhạy bén, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình công tác những công việc hệ trọng, phức tạp, mới phát sinh trên các lĩnh vực để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả toàn diện mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Cần tiếp tục phát huy điểm mới trong nhiệm kỳ XIII, đó là: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị cán bộ toàn quốc (trực tiếp, trực tuyến) để triển khai, quán triệt nhanh, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị toàn diện ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn, theo cả chiều dọc và chiều ngang; thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương trong các vùng, miền.

Định kỳ hàng tháng hoặc khi cần thiết, lãnh đạo chủ chốt đều họp để nắm bắt toàn diện, cụ thể, thực chất tình hình; trao đổi, bàn bạc, thống nhất quan điểm, chủ trương, định hướng chỉ đạo những vấn đề lớn, hệ trọng, cấp bách của Đảng, của Đất nước; đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc đã đề ra.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -4Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Sau mỗi cuộc họp đều ban hành kết luận chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm thực hiện đối với từng vấn đề; góp phần quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhất quán, thống nhất, kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt, đặc biệt là trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và xử lý các tình huống phức tạp vừa qua; khắc phục những sự chồng lấn, trùng lắp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tạo sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; tạo sự lan toả đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và cả hệ thống chính trị...

Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư lưu ý, cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt những nhiệm vụ trọng tâm về: phát triển kinh tế; phát triển văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -5Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Về phát triển kinh tế, Tổng Bí thư lưu ý, cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Về phát triển văn hóa, xã hội, cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa nông thôn, đô thị, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".

Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII -0Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng

Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi; nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức, cán bộ, phải có ý chí, quyết tâm cao, có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời, đừng "nhìn gà hoá quốc"!; "đừng thấy đỏ tưởng là chín"!

Về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, từ kết quả, kinh nghiệm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ lần này, Tổng Bí thư đề nghị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng thời, khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; thành lập các Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng để các Tiểu ban này, nhất là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự, sớm đi vào hoạt động, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Với những kết quả, thành tựu đã đạt được và những kinh nghiệm đã tích luỹ, rút ra được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng Bí thư tin tưởng và tha thiết mong rằng, sau Hội nghị này, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng Đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh; ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.

Theo: Bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Báo Điện tử Đại biểu nhân dân | daibieunhandan.vn)


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn