TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Đổi mới nhận thức về công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay

Bạn đánh giá: 2 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

(TG) - Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền, cổ động là công cụ hữu hiệu, vũ khí sắc bén trong việc phổ biến, truyền bá, tập hợp và cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng trong các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là những nhiệm vụ chính trị trong sự nghiệp đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay.


Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đang đẩy mạnh và tiến hành đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước để phấn đấu đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hóa hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao trong xu thế tòan cầu hóa. Theo đó, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, chúng ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách mới hết sức phức tạp trên tất cả các phương diện, trong đó có lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Công tác tuyên truyền, cổ động ở nước ta hiện nay cũng không nằm ngoài bối cảnh đó. Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động trong điều kiện mới, chúng ta cần nhận thức lại và phải đổi mới nhận thức về công tác này trong hoạt động tư tưởng của Đảng, theo hướng cụ thể như sau:

Một là, chủ động khai thác, nắm bắt và sử dụng mạng xã hội để tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động.

Khoa học công nghệ ngày nay phát triển như vũ bão với những cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ, đem đến nhiều thành tựu lớn ngoài sức tưởng tượng của con người. Giá thành truyền dẫn thông tin trên mạng ngày càng có xu hướng giảm, trong khi các thiết bị thông tin, truyền thông ngày càng phong phú, đa dạng, tích hợp nhiều ứng dụng tiện ích cho người sử dụng. Ở Việt Nam, số lượng người sử dụng mạng xã hội đã chiếm gần 70% dân số; đối tượng sử dụng mạng internet thường xuyên nhất là lứa tuổi 15 đến 40. Đa số người sử dụng mạng xã hội để tiếp cận thông tin, giải trí, kết nối - chia sẻ với bạn bè, quảng cáo - bán hàng... Với công dụng và tiện ích như tốc độ truyền tin nhanh, diện bao phủ rộng, linh hoạt, tính tương tác cao... nên chúng ta có điều kiện khai thác, nắm bắt, sử dụng và phát huy vai trò của mạng xã hội để tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động và coi đây là một xu thế tất yếu khách quan trong xã hội hiện đại. Đúng như trong Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019, Đảng ta đã chỉ rõ: “Chủ động tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...”. Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội với tư cách là một phương tiện của công tác tuyên truyền, cổ động, cần có nhận thức đúng về những ưu thế và hạn chế của phương tiện này.

Hai là, tiếp tục phát huy triệt để ưu thế của các phương thức tuyên truyền, cổ động truyền thống.

Nếu phân chia một cách tương đối thì các phương thức tuyên truyền, cổ động truyền thống gồm có: tuyên truyền, cổ động miệng; tuyên truyền, cổ động bằng các hình thức trực quan; tuyên truyền, cổ động bằng việc sử dụng các loại hình văn hóa, văn nghệ.

Tuyên truyền, cổ động miệng là phương thức tuyên truyền, cổ động được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc kể từ khi dựng nước, trong đấu tranh chống phong kiến, đế quốc cũng như trong lao động sản xuất, xây dựng đất nước.

Trong các giai đoạn cách mạng, ngoài đội ngũ cán bộ tuyên truyền miệng của Đảng, Đảng còn lựa chọn những thanh niên hăng hái, dũng cảm để thành lập các đội: Tuyên truyền xung phong, Tuyên truyền vũ trang, Thông tin lưu động (nay gọi là Đội Tuyên truyền lưu động). Những đội này tổ chức diễn thuyết tại các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, khu vực đông dân cư... để tố cáo, lên án tội ác của bè lũ xâm lược và tay sai, kêu gọi toàn dân đoàn kết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chế độ xã hội mới; tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong nhân dân.

Để tăng cường và phát huy vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều văn bản, chỉ thị về công tác này. Đặc biệt, tháng 6/1997, sau khi nghe báo cáo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 3/8/1977 tổng kết 20 năm công tác tuyên truyền miệng, Thường vụ Bộ Chính trị yêu cầu: “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí ủy viên Trung ương và cấp ủy viên các cấp phải căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà trực tiếp tuyên truyền cho quần chúng… Xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ Trung ương đến cơ sở với số lượng hợp lý chất lượng ngày càng cao. (...) Thường xuyên và kịp thời cung cấp thông tin cho đảng viên và báo cáo viên để mọi đảng viên đều có thể tuyên truyền miệng ở mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng”(1).

Từ khi ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng sử dụng tuyên truyền miệng, coi đây là kênh thông tin cơ bản nhất, quan trọng nhất trong tuyên truyền, giải thích chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; động viên, cổ vũ nhân dân tự giác, tích cực hiện thực hóa nghị quyết, chính sách, pháp luật... Hiện nay, tuyên truyền miệng vẫn được Đảng tổ chức chặt chẽ, duy trì hoạt động và sử dụng có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở thông qua hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên và đội ngũ cán bộ đảng viên.

Đoàn viên, thanh niên diễu hành tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ảnh minh họa)

Đoàn viên, thanh niên diễu hành tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ảnh minh họa)


Tuyên truyền, cổ động bằng các hình thức trực quan cũng xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thời kỳ đầu của cách mạng, Đảng ta đã chú trọng khai thác ưu thế và sử dụng các hình thức này như một phương tiện để tuyên truyền, cổ động, tập hợp lực lượng cách mạng và đấu tranh chống phong kiến, đế quốc. Đảng yêu cầu các đảng bộ, chi bộ phải lập ra những ủy ban cách mạng để nghiên cứu, phát huy các phương thức tuyên truyền, cổ động, trong đó chỉ rõ: “In thật sạch sẽ và rõ ràng các truyền đơn, phân phát truyền đơn với số lượng nhiều sao cho có được nhiều người đọc và nhiều người bình luận” và “cờ có ghi khẩu hiệu phải được dựng lên khắp nơi”(2). Điều lệ Đảng thời kỳ này cũng chỉ rõ: “Tuyên truyền, cổ động cs (cộng sản) một cách có kế hoạch, thực hành khẩu hiệu và nghị quyết của Đảng trong quần chúng công nông cho họ theo Đảng”(3).

Các hình thức trực quan, đặc biệt là khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động cũng phát huy cao độ vai trò trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Khẩu hiệu được đặt ra không những thể hiện được ước nguyện và mục đích mà còn gây ấn tượng mạnh, động viên cổ vũ nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng… Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”(4).

Cùng với khẩu hiệu và biểu ngữ, tranh cổ động Việt Nam cũng đã kế thừa truyền thống, tiếp thu tư tưởng về sáng tác tranh để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị. Việc sử dụng khẩu hiệu kết hợp với tranh cổ động và các loại cờ trang trí để xây dựng các công trình cổ động ngoài trời đã trực tiếp động viên và thôi thúc hàng triệu triệu người Việt Nam hăng hái xung phong ra trận tuyến; tích cực, thi đua xây dựng hậu phương để cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến nhằm thực hiện mục tiêu cao cả “không có gì quý hơn độc lập tự do”...

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, các hình thức trực quan được duy trì, củng cố và sử dụng phục vụ rất hiệu quả cho các ngày lễ lớn, các ngày kỷ niệm và các sự kiện chính trị diễn ra trên cả nước hoặc ở từng địa phương, cơ sở. Các hình thức trực quan chủ yếu được sử dụng gồm có: Quốc kỳ, Đảng kỳ, các loại cờ trang trí; khẩu hiệu, biểu ngữ, tranh cổ động; các cụm cổ động ngoài trời; triển lãm, hội chợ, tờ rơi, bướm tin; các di tích lịch sử - văn hóa, nhà bia tượng niệm; bảo tồn, bảo tàng, tham quan điển hình tiên tiến… Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hình thức trực quan còn được bổ sung thêm những hình thức mới phong phú và hiện đại hơn như băng/đĩa hình, video, bảng thông tin điện tử…

Tuyên truyền, cổ động bằng các loại hình văn hóa, văn nghệ là những hoạt động văn hóa, văn nghệ được tiến hành trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, chủ động, tự nguyện của quần chúng nhân dân; do quần chúng nhân dân sáng tạo, trao truyền, phổ biến, hưởng thụ; được tổ chức tại các địa phương, phù hợp với trình độ dân trí, được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia.

Mặc dù các hình thức văn hóa, văn nghệ quần chúng không đòi hỏi phải có tính nghệ thuật cao, không cần đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp, không cần dàn dựng công phu nhưng lại có sức hấp dẫn riêng, người xem dễ đồng cảm với người biểu diễn, thậm chí người xem cũng là chủ thể sáng tạo.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ được coi là phương thức đặc thù trong công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ trực tiếp cho các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương. Thông qua đó, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân nhanh hơn, dễ hiểu dễ nhớ hơn, sâu sắc hơn các phương tiện tuyên truyền, cổ động khác. Bởi lẽ, nhiều nội dung thông tin tuyên truyền, cổ động được chuyển thể để xây dựng thành những tiểu phẩm, hoạt cảnh ngắn và câu chuyện thông tin… phản ánh trực tiếp đời sống của nhân dân ở từng địa phương, cơ sở. Những nội dung tuyên truyền, cổ động được lý giải hài hòa, hợp lý, trình bày sinh động thông qua các hình tượng nghệ thuật, nên dễ được quần chúng nhân dân chấp thuận, hưởng ứng và hành động theo. Những loại hình văn hóa, văn nghệ quần chúng thường được sử dụng trong công tác tuyên truyền, cổ động hiện nay gồm có: liên hoan, hội thi-hội diễn văn nghệ quần chúng; dạ hội; các loại hình câu lạc bộ theo giới, nghề nghiệp, sở thích, lứa tuổi; thi kể chuyện, thi đọc sách, báo; thi sáng tác văn học nghệ thuật, thi hát dân ca dân vũ và thi đấu thể dục, thể thao…

Ba là, nhận thức đúng đắn về việc kết hợp chặt chẽ giữa các phương tiện tuyên truyền, cổ động truyền thống với các phương tiện tuyên truyền, cổ động hiện đại.

Chúng ta đều nhận thức được rằng, khi sử dụng các phương tiện thông tin tuyên truyền, cổ động truyền thống trong lịch sử dân tộc và các phương tiện thông tin tuyên truyền, cổ động hiện đại thì mỗi phương tiện này đều có những ưu thế và hạn chế nhất định.

Các phương tiện truyền thống có những ưu thế và hạn chế cơ bản như: Nội dung thông tin chính xác, đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nội dung và phương thức tuyên truyền, cổ động tương đối phù hợp với đối tượng (kể cả cá nhân và nhóm đối tượng); tính tương tác cao và tạo điều kiện cho người tiếp nhận thông tin dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo; ít tốn kém về kinh phí...

Tuy nhiên khi sử dụng các phương tiện truyền thống cũng xuất hiện một số hạn chế như: Thông tin đến với đối tượng thường chậm, không kịp thời; phạm vi tác động của thông tin hẹp; đối tượng tiếp nhận thông tin hạn chế và thường bị chi phối bởi khả năng, nhận thức chính trị và khả năng, mức độ cảm nhận giá trị văn hóa, nghệ thuật; hiệu quả tuyên truyền thường phụ thuộc vào trạng thái và chất lượng hoạt động của tổ chức giữ vai trò là chủ thể.

Các phương tiện hiện đại, nếu phân chia một cách tương đối, thường bao gồm một số phương tiện như phát thanh; truyền hình, báo in; báo mạng điện tử; trang thông tin điện tử; mạng xã hội; internet… Các phương tiện này có những ưu thế cơ bản như: đưa thông tin xa nhất, nhanh nhất với thời gian ngắn nhất và gần như đồng thời những sự kiện, sự việc xảy ra do hệ quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ mới đem lại; phạm vi tác động rộng rãi đến tất cả các vùng, miền và mọi đối tượng khác nhau trong xã hội; tích hợp được nhiều công năng của các thể loại truyền thông khác và là trang thông tin mở; nguồn tin phong phú, đa dạng, đa chiều và tích hợp được nhiều công cụ vui chơi, giải trí; là diễn đàn quan trọng cho mọi đối tượng bày tỏ quan điểm, tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng và cũng là phương tiện tuyên truyền, cổ động giáo dục, tổ chức quần chúng; dễ dàng tạo lập, phản ánh và định hướng dư luận xã hội, giám sát và phản biện xã hội...

Tuy nhiên, các phương tiện hiện đại cũng có những hạn chế đòi hỏi cán bộ tuyên truyền, cổ động cần nắm vững để hạn chế tới mức thấp nhất sự tác động tiêu cực, đó là: chi phí cho việc sử dụng các phương tiện này rất tốn kém về kinh phí và phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế và của khoa học công nghệ; khả năng tiếp cận thông tin trên các phương tiện hiện đại của người sử dụng phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh địa lý của vùng, miền; nội dung thông tin khó kiểm soát, khó kiểm chứng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi ta đang chấp nhận việc liên kết sản xuất nội dung chương trình cho các phương tiện truyền thông hiện đại; khả năng lộ thông tin bí mật cao và dễ tán phát thông tin nhạy cảm; thông tin cá nhân của người dùng dễ dàng bị đánh cắp; là môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch lợi dụng đưa thông tin xấu, độc hại, quan điểm sai trái nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc...

Như vậy có thể khẳng định, khoa học - công nghệ dù phát triển đến đâu cũng không thể thay thế hoàn toàn được các phương tiện tuyên truyền, cổ động truyền thống. Vì thế, khi kết hợp giữa các phương tiện hiện đại với các phương tiên truyền thống thì những ưu điểm của các phương tiện truyền thống sẽ khắc phục tương đối tốt những hạn chế của các phương tiện hiện đại và ngược lại. Đây cũng là nhận thức mới để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.

Bốn là, nhận thức mới về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng cán bộ hoạt động trong các cơ quan làm công tác tuyên truyền, cổ động.

Chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, cổ động trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng bắt đầu từ nhân tố con người. Hiện nay, nhìn chung đội ngũ cán bộ tư tưởng của Đảng nói chung và đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cổ động nói riêng được lựa chọn kỹ và tạo nguồn từ những cán bộ trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; có năng lực quản lý, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng vận động quần chúng; có lối sống lành mạnh, trong sạch và phẩm hạnh tốt… Tuy nhiên, vẫn còn thiếu quy hoạch tổng thể, đồng bộ nên có xu hướng hình thành “tự nhiên, tự phát” theo yêu cầu biên chế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, ít chú trọng đến việc tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Từ đó dẫn tới cán bộ tuyên truyền, cổ động thiếu đồng bộ cả về cơ cấu nghề nghiệp, độ tuổi và ít có chuyên gia giỏi.

Vì vậy, cơ quan Đảng, chính quyền các cấp cần xây dựng bộ tiêu chí về đội ngũ nhân viên; tiêu chí về đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong các cơ quan tuyên truyền, cổ động từ Trung ương xuống địa phương. Dựa trên các tiêu chí đó để quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho họ, sao cho đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền, cổ động trong điều kiện cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập, phát triển hiện nay.

Việc đào tạo và tuyển dụng hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các trường có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền, cổ động khi ra trường rất hiếm khi được tuyển dụng, số lượng sinh viên ra trường có việc làm theo ngành nghề được đào tạo rất hạn chế. Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là địa chỉ duy nhất trong cả nước đào tạo đội ngũ cán bộ tư tưởng cho Đảng ở cả 3 bậc học cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ. Bậc cử nhân, từ năm 2006 đến năm 2020 mỗi năm có khoảng trên dưới 90 sinh viên được đào tạo chính quy ra trường, nhưng hầu như số sinh viên có việc làm theo đúng nghề được đào tạo chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Thực tế cho thấy, sản phẩm đào tạo của khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đáp ứng tương đối hợp lý so với yêu cầu thực tế của công tác tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, cổ động nói riêng, nhưng số lượng sinh viên được tuyển dụng vào cơ quan tuyên giáo các cấp rất ít. Rõ ràng đang còn có khoảng cách lớn về nhận thức trong việc tuyển dụng, sử dụng sinh viên đúng chuyên ngành của cơ quan tuyên giáo các cấp với cơ sở đào tạo chuyên ngành.

Hiện nay, khoa Tuyên truyền được Học viện Chính trị Quốc gia giao nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ là cấp trưởng, phó trưởng ban tuyên giáo cấp huyện và tương đương với thời gian mỗi lớp 5 ngày. Như vậy, học viên các lớp bồi dưỡng này cũng khó khăn trong việc tiếp thu lý thuyết chuyên ngành và hạn chế khi vận dụng khung lý thuyết vào thực tiễn để tiến hành công tác tuyên truyền, cổ động.

Những bất cập về chế độ chính sách cũng đang là “điểm nghẽn” trong việc thu hút những người tài giỏi vào hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng. Không ít cán bộ được điều chuyển từ các cơ quan khác về làm công tác tư tưởng không tránh khỏi những tâm tư. Đã không yêu nghề thì rất khó hành nghề; hành nghề mà không sống được bằng nghề thì khó có thể có tâm huyết với nghề; những bất cập, lạc hậu của trang thiết bị kỹ thuật... là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thiếu tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động.

Năm là, về nội dung, phương thức tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động.

Đổi mới nội dung: Nội dung thông tin trong công tác tuyên truyền, cổ động phải mang hàm lượng trí tuệ và tính khoa học cao hơn; cụ thể, thiết thực hơn, sát thực tế và kịp thời hơn, phù hợp hơn với các nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin. Đối với các sự kiện lớn trong nước và quốc tế cần có nhiều thông tin, đưa thông tin kịp thời, có phân tích sâu sắc, đánh giá đúng và chỉ rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước để định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực.

Đổi mới phương thức: Nên kết hợp giữa nhiều phương pháp, hình thức và phương tiện với nhau trong quá trình truyền tải thông tin. Cần tạo ra nhiều diễn đàn, hình thành văn hóa đối thoại; xây dựng môi trường công khai, minh bạch thông tin tạo điều kiện cho đối tượng được tham gia thảo luận những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Khi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành, công tác tuyên truyền, cổ động cần giải thích, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn để ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đó. Đồng thời, cần chỉ ra lộ trình và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện để động viên, cổ vũ mọi người hành động hiện thực hóa nó trong đời sống xã hội.

Trong điều kiện hiện nay, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động. Có ba phương thức phối hợp: phối hợp theo chiều dọc (từ trên xuống); phối hợp theo chiều ngang (phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp) và phối hợp chéo (tức là vừa phối hợp theo chiều dọc vừa phối hợp theo chiều ngang). Dù phối hợp theo phương thức nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc: đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng; phát huy sức được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các phương thức thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động; không được chồng chéo, lấn sân và triệt tiêu sức mạnh của nhau.

Sáu là, tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đối với công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay.

Công tác tư tưởng nói chung và công tác tuyên truyền, cổ động nói riêng là công tác của Đảng, do vậy, công tác tuyên truyền, cổ động phải đặt dưới sự lãnh đaọ và chịu sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo này càng triệt để, tuyệt đối bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu và dứt khoát không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Các cơ quan tham mưu cho Đảng về lĩnh vực này tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn giúp cho cơ quan Đảng ban hành thêm những chỉ thị, nghị quyết, thông báo, kết luận… để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, những hoạt động này không được vượt ra ngoài giới hạn, quy định trong Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước.

Cơ quan Đảng, chính quyền các cấp cần không ngừng đổi mới nhận thức việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và quản lý công tác tuyên truyền, cổ động để giúp nhân dân tiếp cận thông tin thuận lợi, có nhận thức đúng đắn và có trách nhiệm thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Bởi lẽ, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào thì công tác tuyên truyền, cổ động vẫn là phương tiện hữu hiệu, công cụ sắc bén trong hoạt động tư tưởng cũng như trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc./.

PGS. TS. HOÀNG QUỐC BẢO

_______________________

(1) Thông báo số 71- TB/TƯ ngày 7/6/1997 của Thường vụ Bộ Chính trị.

(2) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998, t.2, tr.64, 122.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.5, tr.305.

Theo: Đổi mới nhận thức về công tác tuyên truyền, cổ động trong giai đoạn hiện nay (Tuyên giáo | tuyengiao.vn) 


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn