TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Hoàn thiện chính sách văn hóa nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay

Bạn đánh giá: 2 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Hoàn thiện chính sách văn hóa cần hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên...

QUAN NIỆM VỀ CHÍNH SÁCH VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra trên nền của thế giới tự nhiên. Văn hóa là sản phẩm của loài người, được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Song, chính văn hóa lại tham gia vào việc tạo nên con người, duy trì sự bền vững và trật tự xã hội. Văn hóa là hệ thống các giá trị chân lý, chuẩn mực, mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau trong quá trình tương tác và hoạt động sáng tạo; được bảo tồn và chuyển hóa cho những thế hệ nối tiếp theo sau; được tái tạo và phát triển trong quá trình hành động và tương tác xã hội của con người. Văn hóa là trình độ phát triển của con người và của xã hội, được biểu hiện trong các kiểu/hình thức tổ chức đời sống và hành động cũng như trong giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra.

Nói tới văn hoá là nói tới con người, tới việc phát huy các năng lực bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Văn hoá là môi trường để hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, đồng thời văn hoá cũng có những lĩnh vực hoạt động riêng, đó là những hoạt động sản xuất và sáng tạo ra những giá trị tinh thần nhằm giáo dục con người hướng tới những điều tốt đẹp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”(1). Theo quan niệm của Người, văn hóa chính là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với những biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.

Vật chất và tinh thần là hai mặt của đời sống xã hội nói chung và đời sống mỗi con người nói riêng, cho nên nếu coi kinh tế là nền tảng vật chất của xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người và xã hội. Một đất nước không thể phát triển ổn định và bền vững nếu chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế mà bỏ quên các giá trị văn hóa.

Được phát triển cùng chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam có những giá trị mới, được hình thành, bồi tụ trong quá trình hội nhập, tiếp biến giữa các nền văn hóa. Vì vậy, để văn hóa trở thành nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong bối cảnh thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, cần chú trọng phát huy sự năng động, sáng tạo, sự đổi mới và làm giàu tri thức không ngừng của mỗi con người Việt Nam thông qua các chính sách văn hóa cho phù hợp.

Chính sách văn hoá của một quốc gia là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các mục tiêu, các giải pháp và các công cụ mà nhà nước sử dụng để tác động lên lĩnh vực văn hoá nhằm bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chính sách văn hoá là một bộ phận hợp thành của chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và có một ý nghĩa vô cùng to lớn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực về con người để phát triển đất nước. Nội dung của chính sách văn hoá là vạch ra mục tiêu, phương hướng để xây dựng và phát triển nền văn hoá, đồng thời chỉ ra các cách thức, phương thức để thực hiện mục tiêu đó. Mục tiêu của chính sách văn hoá là trạng thái mong đợi, cần có của nhà nước đối với lĩnh vực văn hoá trong các chặng đường phát triển của đất nước.

So với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, tinh tế, liên quan trực tiếp đến quá trình sáng tạo của cá nhân và cộng đồng. Cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức về văn hóa, đặc biệt là nhận thức về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc xây dựng, hình thành nhân cách con người, hệ thống chính sách về văn hóa dần được hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn và nhu cầu, đòi hỏi của người dân.

Phát triển bền vững là quá trình chuyển từ một nền kinh tế tăng trưởng thấp sang một nền kinh tế tăng trưởng cao trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực; là chuyển từ một xã hội nghèo đói, bất bình đẳng, con người phát triển ở trình độ thấp sang xã hội có các tiêu chí phát triển cao hơn, thực hiện được phát triển văn hóa, tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Ngày nay sự phát triển không chỉ hiểu đơn thuần là tăng trưởng kinh tế mà còn là sự gia tăng khả năng lựa chọn, đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển trong tương lai. Vì vậy văn hóa là phần không thể tách rời của những lựa chọn mà chúng ta hướng tới. Nếu phát triển được coi là sự cải thiện mức sống con người thì văn hóa là một trong số những yếu tố nội hàm của phát triển.

VAI TRÒ VĂN HÓA VÀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VĂN HÓA NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

Lịch sử phát triển của loài người cho thấy, con người là một thực thể văn hóa luôn đóng vai trò quyết định với quá trình sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào. Tố chất con người có ý nghĩa quyết định làm nên sức mạnh của văn hóa ở mỗi quốc gia - dân tộc. Nói đến tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, người ta không chỉ nói tới tài nguyên thiên nhiên, mà phải nói tới yếu tố quyết định là văn hóa, được thể hiện qua năng lực sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người. Sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc chỉ có thể trở nên năng động, hiệu quả, bền vững chừng nào quốc gia đó đạt được sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa trong tiến trình phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(2). Do vậy, sự phát triển của đất nước đòi hỏi phải nâng cao vai trò, vị thế của văn hóa trong hoạt động kinh tế; văn hóa khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người, quyết định sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Và cũng do vậy, trong xã hội hiện đại, con người được xã hội tạo điều kiện xây dựng yếu tố nền tảng của văn hóa là sự hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm, phong cách ứng xử... trong quá trình học tập, lao động để duy trì, phát triển cuộc sống. Các yếu tố này, nếu được khai thác, phát huy sẽ trở thành một động lực to lớn đối với sự phát triển kinh tế.

Chính sách văn hóa cũng tác động tới tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Chính sách văn hóa hiện nay tương tác vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trở thành một phần thiết chế của phát triển bền vững.

Thứ nhất, tác động của chính sách văn hóa tới mục tiêu, chính sách phát triển bền vững thể hiện ở việc các giá trị con người giá trị xã hội được đặt vào vị trí như thế nào trong quá trình phát triển. Nếu nhận thức rõ tầm quan trọng của việc hướng tới thực hiện các giá trị con người và giá trị xã hội, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển thì trong mục tiêu, cơ chế chính sách của phát triển bền vững sẽ có sự gắn bó hữu cơ với phát triển các vấn đề xã hội, mà trọng tâm là các giá trị con người, giá trị văn hóa. Ngược lại, nếu coi nhẹ các giá trị mục tiêu con người, giá trị văn hóa, thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa các vấn đề xã hội với vấn đề kinh tế, làm giảm động lực của quá trình phát triển. Việc nhận thức đúng các mục tiêu về giá trị văn hóa, giá trị xã hội trong mỗi giai đoạn và việc đặt các mục tiêu đó gắn bó hữu cơ với mục tiêu chiến lược cơ chế chính sách phát triển bền vững có tầm quan trọng đặc biệt.

Thứ hai, khi chính sách văn hóa xác lập được thành những thể chế thiết chế mới, những giá trị con người giá trị văn hóa, giá trị xã hội mới sẽ tác động trở lại đối với sự phát triển bền vững. Khi giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội mới phù hợp với quy luật phát triển sẽ có sự tác động cùng chiều và tạo ra động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế. Ngược lại khi các giá trị con người, giá trị văn hóa, giá trị xã hội mới không phù hợp với quy luật phát triển sẽ có sự tác động ngược chiều và làm suy yếu động lực phát triển kinh tế - xã hội, có thể dẫn tới rối loạn xã hội. Phát triển văn hóa, làm giàu thêm vốn văn hóa, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi các tài sản văn hóa được sở hữu như các giá trị hoạt động thì văn hóa trở thành nguồn vốn. Kênh quan trọng nhất để vốn văn hóa tác động đến phát triển là thông qua mối quan hệ giữa vốn văn hóa với vốn xã hội. Ở đó vốn văn hóa là nền tảng hình thành nên vốn xã hội. Biểu hiện của vốn xã hội bao gồm niềm tin; chuẩn mực giá trị và mạng lưới xã hội. Trong đó cốt lõi của vốn xã hội là lòng tin. Nhờ có lòng tin mà các chi phí giao dịch được giảm thiểu, việc phát triển văn hóa có tác động trực tiếp đến chuẩn mực xã hội, lòng tin, từ đó quyết định chất lượng của các cá nhân tham gia vào mạng lưới xã hội tốt hơn.

Thứ ba, trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, vai trò của chính sách văn hóa kinh doanh đóng vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững. Thông qua các doanh nghiệp FDI, các mô hình quản trị kinh doanh hiện đại, các phương thức tổ chức và quản lý tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao được đưa vào Việt Nam với các giá trị văn hóa kinh doanh mới, sẽ có tác dụng quan trọng đối với việc đổi mới và xây dựng nền quản trị kinh doanh của Việt Nam từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Những giá trị văn hóa kinh doanh tiên tiến như xây dựng thương hiệu, coi trọng xây dựng chiến lược dài hạn, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm chất lượng, trọng dụng nhân tài, văn hóa hội nhập quốc tế có tác dụng quan trọng đối với đổi mới nền quản trị kinh doanh ở Việt Nam.

Thứ tư, từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách văn hóa đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện chính sách xã hội, xem trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Đồng thời với thực hiện bảo vệ môi trường, để vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, làm cho phát triển con người một cách toàn diện, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, đảm bảo giá trị văn hóa hàm chứa trong sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hệ giá trị văn hóa, giá trị xã hội, giá trị con người mới thông qua các chính sách của Đảng và Nhà nước đã làm gia tăng niềm tin của người dân với Đảng. Với những thiết chế công khai minh bạch, phù hợp và có hiệu quả của Nhà nước trong khung khổ pháp luật đã tạo cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng, bảo vệ, phát triển những giá trị con người với những chuẩn mực tốt đẹp.

Thứ năm, thực hiện chính sách văn hóa góp phần củng cố sức mạnh mềm tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế nhằm phát triển bền vững. Bên cạnh những nguồn lực hữu hình cho tăng trưởng như vốn, tài nguyên, lao động, khoa học công nghệ… thì nguồn lực văn hóa cũng là nguồn tài nguyên quan trọng bổ xung hỗ trợ thậm chí thay thế cho nguồn lực cứng. Nó có đặc trưng lôi cuốn, hấp dẫn, cảm hóa quốc gia khác, nó vô hạn, tồn tại lâu dài. Vì thế có thể coi văn hóa - yếu tố cốt lõi của sức mạnh mềm, là một nguồn lực nội sinh của quá trình phát triển.

Thực hiện chính sách văn hóa nhằm tăng trưởng kinh tế thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường là mối quan hệ đa chiều, mật thiết với nhau, cùng phát huy nhiều năng lực khác nhau. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của con người, xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần. Văn hóa phát triển thông qua chức năng xây dựng con người, bồi dưỡng nguồn lực con người về trí tuệ, tâm hồn, đạo đức, nhân cách, lối sống của cá nhân, cộng đồng, sẽ là điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định.

Nhờ đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa chính sách phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, nên kinh tế tăng trưởng khá nhanh và liên tục trong nhiều năm. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2020-2022 do dịch bệnh COVID-19, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá và là một trong số ít nước có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2021. Việt Nam sớm khắc phục tình trạng suy giảm kinh tế và có nhiều triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế khá cao trong những năm tiếp theo.

Thế giới đánh giá rất cao những thành tựu gắn kết tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam. Việt Nam đã thực hiện sự phát triển kinh tế hướng vào con người, nhất là những người nghèo. Thực thi chiến lược phát triển toàn diện, cùng với việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP cao, thì tất cả các chỉ tiêu về xã hội, môi trường có liên quan trực tiếp đến tăng trưởng và sử dụng kết quả của tăng trưởng đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Các chỉ tiêu xã hội có xu hướng được cải thiện rõ rệt. Chỉ số HDI đo sự tiến bộ trung bình của một nước về phát triển con người bao gồm tuổi thọ, trình độ dân trí và thu nhập GDP tính theo đầu người của Việt Nam năm 2021 đã lên tới 0,703, xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, HDI của Việt Nam đã tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu từ 117/189 quốc gia vào năm 2019, lên 115/191 quốc gia trong năm 2021. Điều này cho thấy sự tiến bộ và ổn định của Chỉ số con người tại Việt Nam. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam cao hơn một số nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nước ta.

Sau 36 năm đổi mới, mối quan hệ giữa phát triển chính sách văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta đã được giải quyết một cách khá hiệu quả. Các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt, môi trường từng bước được bảo vệ. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Những thành tựu đó chứng tỏ chính sách của Đảng ta nhằm gắn kết phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VĂN HÓA NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Thực tế cho thấy, không ít những quốc gia, dân tộc tài nguyên thiên nhiên còn nghèo nàn nhưng lại giàu có về kinh tế, xã hội tiến bộ, môi trường được đảm bảo chính là nhờ coi trọng yếu tố văn hóa, con người. Nguồn lực nội sinh của sự phát triển của một đất nước thấm sâu trong văn hóa, con người. Sự phát triển của một dân tộc phải vươn tới cái mới, nhưng không thể tách rời cội nguồn của mỗi dân tộc là văn hóa. Kinh nghiệm qua 36 năm sự nghiệp đổi mới ở nước ta đã chứng minh rằng, ngay bản thân sự phát triển kinh tế cũng không chỉ do các nhân tố thuần túy kinh tế tạo ra, mà động lực của sự đổi mới kinh tế đó một phần quan trọng nằm trong văn hóa.

Để hoàn thiện chính sách văn hóa, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển bền vững mà thực chất là tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, cần xác định rõ hoàn thiện chính sách văn hóa, phát triển con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm để văn hoá, văn học, nghệ thuật phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo.

Ba là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh. Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Bốn là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy nhanh việc cụ thể hoá chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, quản lý hiện hành có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, xác định rõ những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể.

Năm là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần tăng cường các nguồn lực cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hoá chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hoá. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hoá, nghệ thuật. Huy động nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội đầu tư và tổ chức đời sống văn hoá, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền, các tầng lớp trong xã hội.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá. Xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá. Tạo nhận thức sâu sắc của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hoá. Phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường; tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hoá.

Bảy là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tạo thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá và các ngành công nghiệp văn hoá. Nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Tám là, hoàn thiện chính sách văn hóa cần chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hoá với các nước; đa dạng hoá các hình thức văn hoá đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đi vào chiều sâu. Tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn lực, tham gia phát triển văn hoá, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tốt, phù hợp của các nước trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hoá về văn hoá.

Bên cạnh nguồn lực, sức mạnh cứng là kinh tế, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật,… văn hóa với những ưu thế và sức mạnh riêng cũng đang phát huy được những thế mạnh tiềm ẩn có khả năng điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước. Nguồn lực văn hóa ngày nay đang tỏ rõ ưu thế vượt trội, bởi những mục tiêu tốt đẹp mà nó mang lại là những giá trị chân, thiện, mỹ, tất cả vì hạnh phúc của con người.

Việc hoàn thiện chính sách văn hóa Việt Nam với những đặc trưng dân tộc và khoa học, cùng chiến lược phát triển văn hóa phù hợp của Đảng, sẽ giúp cho nền văn hóa phát triển rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng - một “sức mạnh mềm” trong quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam./.

TS. LÊ THỊ THÚY
Hội đồng Lý luận Trung ương
_______________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.3 tr.458.

(2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Theo: Hoàn thiện chính sách văn hóa nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (Tuyên giáo | tuyengiao.vn) 


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn