SCIC tổ chức chương trình về nguồn dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng, liệt sĩ tại Quảng Trị
- Đối Ngoại Truyền Thông
- Lượt xem: 166
Trong khuôn khổ tập huấn cán bộ nhân viên từ 11/8 đến 14/8 năm 2024, SCIC đã kết hợp tổ chức Chương trình về nguồn dâng hương tưởng niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Vũng Chùa – xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) và dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Quảng Trị nhằm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc.
Tham dự chương trình dâng hương tưởng niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Quảng Trị có đồng chí Nguyễn Chí Thành, Ủy viên BCH Đảng ủy Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC; đồng chí Nguyễn Quốc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng giám đốc SCIC; các đồng chí trong Đảng ủy, HĐTV, Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ nhân viên SCIC.
Đoàn SCIC dâng hương tưởng niệm tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Điểm đến đầu tiên trong hành trình của đoàn là Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng, thuộc vùng biển Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng tài ba, danh nhân văn hóa thế giới, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn đại biểu SCIC có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị tướng tài ba, người đã có công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nằm trên ngọn đồi Bến Tắt nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được biết đến là nghĩa trang quốc gia lớn nhất, quy tập phần mộ những thanh niên xung phong, bộ đội cụ Hồ đã ngã xuống trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ. Sống, chiến đấu và bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trước đế quốc Mỹ, có người trở lại nhưng cũng có những người đã gửi lại mảnh đất này nước mắt, máu và cả tuổi thanh xuân. Về dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang Trường Sơn, đoàn đại biểu SCIC không khỏi bồi hồi, xúc động về một quá khứ đã qua, thành kính tri ân các anh hùng đã ngã xuống cho cuộc sống bình yên ngày hôm nay.
Đoàn SCIC dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Các anh còn sống mãi với lịch sử dân tộc, trong lòng đất mẹ và nhân dân ta.
Rời Nghĩa trang Trường Sơn, đoàn di chuyển đến Nghĩa trang Đường 9, trên vùng đồi tĩnh lặng, trong nghĩa trang là nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định danh tính.
Đoàn SCIC dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9
Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn Anh hùng, liệt sỹ gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhạc sĩ Doãn Nho đã từng viết: “Tôi về đây với Đường 9-Khe Sanh/Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Hoa Lau trắng đến chân trời trắng thế/Trắng mây bay và lau trắng quanh tôi,…”. Những câu hát đó đã chạm vào tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm của mỗi người khi đến nơi đây.
Sau khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ, đoàn SCIC chia tay Nghĩa trang Đường 9, tiếp tục lên đường đến với địa danh “Thành cổ Quảng Trị”. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm của các lực lượng giữ Thành Cổ.
Đoàn SCIC tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
“Cho tôi hôm nay vào Thành cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ
Cỏ non xanh tơ, cỏ non xanh tơ...! Xin chớ vô tình...
Với người hy sinh, trên mảnh đất quê mình”.
Mùa hè đỏ lửa 1972 của quân và dân ta góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn SCIC tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại dòng sông Thạch Hãn
Lịch sử của tỉnh Quảng Trị cũng gắn liền với lịch sử của dòng sông Thạch Hãn. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.
Tuổi hai mươi nằm lại dưới đáy sông. Có người kịp gọi tên người yêu thương trước khi gửi thân mình cho sóng nước, có người cả tiếng gọi mẹ ơi cũng tắt nghẹn nửa chừng khi địch bất thần nã pháo vào đội hình vượt sông... Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh chẳng để lại gì trước lúc hy sinh. Có chăng chỉ là một lời nhắn nhủ: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về" (thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Chuyến hành trình về “miền đất lửa” thiêng liêng và hào hùng Quảng Trị tuy ngắn, nhưng đã để lại trong lòng mỗi thành viên SCIC một cảm xúc khó có thể quên. Hành trình là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Trước anh linh của các chiến sĩ anh hùng, đoàn đại biểu SCIC bày tỏ quyết tâm sẽ tiếp nối truyền thống yêu nước, ra sức rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, phấn đấu hết mình để hoàn thành trọng trách được giao, cùng nhau đoàn kết, đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng SCIC nói riêng và đất nước nói chung ngày càng phát triển, để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của những người đã ngã xuống bảo vệ đất nước.