TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại SCIC đến năm 2025

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Ngày 17/7/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025”.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/8, tại Hà Nội, SCIC tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt  Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại SCIC đến năm 2025.

Tham dự Hội nghị có ông Mai Xuân Thái, Phó Vụ trưởng, Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ; Bà Bùi Thu Thủy, Cục phó, Cục PTDN Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cùng đại diện Đảng ủy Khối DNTW, Ủy ban QLVNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ và Người đại diện tại các doanh nghiệp có vốn của SCIC.

Về phía Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC; ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc SCIC; các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát, cùng toàn thể đảng viên, cán bộ, người lao động SCIC.

Năm 2005, SCIC ra đời trong bối cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ mệnh lệnh hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn, theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông – nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Qua hơn 18 năm thành lập và hoạt động, SCIC đã tiếp nhận 1.081 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.344 tỷ đồng; trong đó có tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, xử lý tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex, Tổng công ty (TCT) Thủy sản Việt Nam – Seaprodex, TCT Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), TCT Thép Việt Nam, TCT Sông Đà, TCT Bia rượu nước giải khát Sài Gòn – Sabeco, TCT dược Việt Nam…; bán vốn thành công tại 1.059 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về 51.849 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn; tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là hơn 44.173 tỷ đồng; tổng doanh thu 114.490 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 90.852 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân trong cả giai đoạn 13%/năm; tổng nộp NSNN 97.318 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024 SCIC ghi nhận tổng doanh thu 4.143 tỷ đồng, bằng 46,62% so với kế hoạch năm 2024; Lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt 5.369 tỷ đồng, tương ứng 80,2% kế hoạch năm và bằng 167,31% năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.989 tỷ đồng, tương ứng 76,63% kế hoạch năm và bằng 161,83% so với năm; Nộp thuế là 95 tỷ đồng; Giải ngân đầu tư là 479 tỷ đồng. Danh mục đầu tư của SCIC có 112 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 53.306 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 182.891 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động và vai trò của SCIC đã được Đảng, Nhà nước đánh giá và ghi nhận. Tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/06/2017 Đảng chủ trương “nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật”.

Trong quá trình triển khai Đề án Cơ cấu lại SCIC (giai đoạn từ 2017-6/2024) SCIC đã chứng minh mô hình và năng lực quản trị vốn hiệu quả, sẵn sàng các nguồn lực để bước sang giai đoạn mới phát triển mạnh mẽ hơn, các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước; tổng vốn chủ sở hữu tăng gấp 1,55 lần; các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách về cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. SCIC được xếp loại A theo quy định; tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn này là 65.117 tỷ đồng, chiếm 67% giá trị nộp NSNN của SCIC từ khi thành lập đến nay.

Trong danh mục đầu tư của SCIC, có những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán, có thị phần dẫn đầu trong một số ngành như Vinamilk, Sabeco, FPT, Dược Hậu Giang, Vinatex…

Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2025

Đồng chí Đinh Việt Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc SCIC báo cáo tại hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Đinh Việt Tùng, Ủy viên Ban Thường ủy Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, ngày 10/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1336/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của SCIC và ngày 17/7/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 690/QĐ-TTg phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến hết năm 2025”.

Theo Đề án, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục duy trì là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, giai đoạn đến năm 2025. Trong đó, doanh nghiệp do SCIC nắm giữ 100% vốn điều lệ như hiện tại (gồm 1 doanh nghiệp) là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC. 7 doanh nghiệp do SCIC nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên bao gồm Công ty TNHH hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền; Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP; CTCP Bệnh viện Giao thông vận tải; CTCP Cảng Quảng Bình; CTCP Cảng Thuận An (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận); CTCP Phim Giải Phóng; Tổng công ty Sông Đà - CTCP. 5 doanh nghiệp do SCIC nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ bao gồm: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; Công ty cổ phần Cảng An Giang (thực hiện thoái vốn sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận); Cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác và chế biến đá An Giang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty cổ phần Viễn thông FPT. 7 doanh nghiệp do SCIC tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ như hiện tại bao gồm:  Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty cổ phần TRAPHACO, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty cổ phần Cấp nước Gia Lai.

Củng cố SCIC đảm bảo đủ các nguồn lực tài chính, năng lực quản trị

Mục tiêu của Đề án là cơ cấu lại SCIC đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo là DN đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định; thực hiện đầu tư kinh doanh vốn vào DN, dự án theo cơ chế thị trường trong các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối hoặc các DN, dự án trong các ngành, lĩnh vực mà nhà nước không tiếp tục nắm giữ chi phối trong giai đoạn này nhưng có đóng góp quan trọng với chuỗi giá trị của SCIC như: công nghệ, thị trường, tài chính, nguồn thu cổ tức hằng năm, sử dụng nhiều lao động, có nhiều cơ sở đất đai,..; đồng thời, khai thác tốt các cơ hội đầu tư trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Củng cố SCIC đảm bảo đủ các nguồn lực tài chính, năng lực quản trị để tập trung thực hiện nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn, đầu tư và phát triển các dự án đầu tư có quy mô lớn, quan trọng, định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của SCIC; hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.

SCIC sau khi cơ cấu lại có đủ năng lực và nguồn lực tài chính để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, ổn định và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; đổi mới tổ chức, phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý và điều hành, nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ và nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tổ chức hợp lý thị trường và quản lý tốt quá trình hoạt động kinh doanh; đầu tư vào các dự án trọng điểm đảm bảo tốc độ tăng trưởng của SCIC; cơ cấu lại vốn đầu tư tại các công ty con, tạo ra các DN trong SCIC có vốn chủ sở hữu lớn, có tiềm lực về tài chính, đảm bảo nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo các cân đối lớn của nhà nước trong các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, định hướng sau năm 2025 SCIC trở thành tổ chức đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu tại Việt Nam.

Giải pháp đối với các doanh nghiệp trong danh mục SCIC tiếp tục nắm giữ đến năm 2025

Trên cơ sở Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại SCIC; Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, định hướng, SCIC đề ra các giải pháp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bao gồm nhóm giải pháp về đổi mới quản trị doanh nghiệp, phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của doanh nghiệp, nhân sự bộ máy, định hướng đầu tư đổi mới công nghệ...

Đối với các doanh nghiệp trong danh mục SCIC tiếp tục nắm giữ đến năm 2025, SCIC sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò cổ đông nhà nước, củng cố, phát triển một số doanh nghiệp quy mô lớn, có hiệu quả cao, thương hiệu tốt, có khả năng cạnh tranh như: Xây dựng cơ chế quản trị riêng đối với các doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm tập trung xử lý tồn tại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số tập đoàn, tổng công ty có tình hình tài chính phức tạp, quyết toán vốn nhà nước khi cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất; tiếp tục triển khai các giải pháp, đồng hành cùng các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn đảm bảo nguồn lực cho sản xuất; tiếp tục kiện toàn hệ thống người đại diện; xem xét áp dụng cơ chế tiền lương, thưởng, phụ cấp, thù lao người đại diện gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ, qua đó củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ sở hữu và người đại diện tại doanh nghiệp…

Ý kiến đa dạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC

Tại phần tham luận đại diện các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đã đưa ra những ý kiến đóng góp trong hội nghị.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tham luận tại hội nghị

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Quyết định số 690/QĐ - TTg được Thủ tướng phê duyệt có ý nghĩa quan trọng đối với SCIC và các doanh nghiệp thuộc quản lý của SCIC. Tuy nhiên, ông có một vài kiến nghị muốn làm rõ trong quá trình thực hiện đề án. Thứ nhất, các khoản thoái vốn trong năm 2025 rất lớn, việc tổ chức triển khai liên quan đến phân cấp, uỷ quyền nếu không tốt, không đủ thẩm quyền thì sẽ rất khó để hoàn thành đề án. Đối với các đơn vị đang được chi phối như Vinatex (doanh nghiệp do SCIC nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ), "liệu công ty có được chủ động mua hoặc bán trong phạm vi này và có được nhận cơ chế như SCIC không?" Thứ hai, việc thoái vốn sẽ có ý nghĩa khi việc xin ý kiến để đưa ra đấu giá được dựa trên cơ sở giá trị gia tăng. Nhưng nếu quy trình xin giá thoái vốn, thời điểm thoái vốn,... cũng phải đi xin chỉ để công nhận đúng trình tự, trong trường hợp không may thị trường đi xuống, việc đấu giá sẽ bị trượt và mất đi giá trị. Ông Trường mong muốn SCIC đưa ra giải pháp hỗ trợ để việc hoàn thành đề án được triển khai một cách tốt nhất.

Bà Hàn Thị Khánh Vinh, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam phát biểu tham luận tại hội nghị

Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Hàn Thị Khánh Vinh, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc TCT Dược Việt Nam cũng cho rằng Quyết định 690/QĐ - TTg đã thể hiện sự đúng đắn của Chính phủ; SCIC tiếp tục nắm giữ 65% vốn tại Vinapharm đến năm 2025 và trong các năm tiếp theo không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiện thực hóa các dự án nói trên của Vinapharm mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững và hiệu quả của Vinapharm; Đồng thời gia tăng tỷ lệ đóng góp vào thị trường Dược phẩm Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn góp của SCIC cũng như góp phần phục vụ chiến lược quốc gia phát triển ngành dược theo Quyết định 1165/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đảm bảo an ninh y tế, bình ổn giá thuốc, góp phần trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà phát biểu tham luận tại hội nghị

Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà chia sẻ: Hiện nay, theo Quyết định 690/QĐ – TTg Tổng công ty Sông Đà là doanh nghiệp do SCIC nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên đến hết năm 2025. Thực hiện chỉ đạo và định hướng của SCIC, Tổng công ty Sông Đà đã xây dựng Đề án tái cơ cấu lại Sông Đà, giai đoạn 2023-2028, kế thừa các yếu tố truyền thống và các định hướng mới, theo xu hướng phát triển của đất nước, nhằm xây dựng Tổng công ty Sông Đà thành doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất.

Ông Lê Song Lai, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam phát biểu tham luận tại hội nghị

Các đại biểu cũng được nghe ý kiến của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - Ông Lê Song Lai phát biểu tại hội nghị: trong phê duyệt danh mục thuộc SCIC tiếp tục duy trì nắm giữ đến năm 2025, Vnsteel là 1 trong 5 doanh nghiệp sắp xếp theo phương án riêng, ông cũng muốn SCIC cụ thể hóa phương án triển khai đề án đối với Vnsteel rõ nét hơn. Đồng thời thực hiện đầu tư vào lĩnh vực có triển vọng phát triển, chiếm thị phần lớn và có khả năng cạnh tranh của Vnsteel.

SCIC nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai

Ở Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Thành, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư  Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC cũng nêu rõ: Trong bối cảnh định hướng phát triển kinh tế đất nước hiện nay, tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn này được yêu cầu phải tiến hành sâu hơn, giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu đối với toàn bộ khu vực DNNN nhằm hướng tới mục tiêu thay đổi về chất, tạo điều kiện để các DN có thể khai thác các nguồn lực cho tăng trưởng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nhìn lại cả quá trình nỗ lực tái cơ cấu DNNN, SCIC đã thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt, tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, cụ thể tại các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, có tình hình tài chính phức tạp như: Vinaconex, Vinatex, Vnsteel, TCT Sông Đà, Seaprodex, Licogi, Thương mại Tràng Tiền. Một số doanh nghiệp sau khi tái cơ cấu, xử lý tồn tại, bán vốn thành công mang lại hiệu quả cao như: Khách sạn Kim Liên, Nhựa Bình Minh, Contrexim; thậm chí nâng cao giá trị doanh nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Dược Domesco, Nhựa Tiền Phong, FPT... Có thể nói, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp của SCIC trong 18 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từ tiếp nhận 1.081 doanh nghiệp (bao gồm 25 tập đoàn, tổng công ty) với tổng vốn nhà nước hơn 32.344 tỷ đồng; Đã bán thành công tại 1.059 doanh nghiệp, tổng giá trị thu về 51.849 tỷ đồng, gấp 4,1 lần giá vốn. Sắp xếp, cổ phần hóa: 31 doanh nghiệp danh mục của SCIC ; Tổng doanh thu 114.490 tỷ đồng, tổng lợi nhuận 90.852 tỷ đồng; ROE bình quân trong cả giai đoạn 13%/năm; Tổng nộp NSNN 97.318 tỷ đồng; Tổng giá trị giải ngân đầu tư 44.173 tỷ đồng; Sau quá trình tái cơ cơ cấu mạnh mẽ, danh mục của SCIC hiện nay còn 112 doanh nghiệp với giá trị vốn hóa khoảng 08 tỷ USD.

Cùng với Chiến lược phát triển của SCIC (theo QĐ số 1336/QĐ-TTg), Đề án cơ cấu lại SCIC là căn cứ pháp lý quan trọng và xác định rõ mục tiêu, định hướng và giải pháp để SCIC đẩy mạnh triển khai hoạt động tái cơ cấu, đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ.

Ông Nguyễn Chí Thành, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư  Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu kết luận hội nghị

Thay mặt Đảng ủy, Ban lãnh đạo SCIC, ông Nguyễn Chí Thành, Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV SCIC gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo và cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy khối DNTW, Ủy Ban QLVNN, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT,… trong thời gian qua đã hỗ trợ góp ý, thẩm định đối với Đề án cơ cấu lại của SCIC.

Ban lãnh đạo SCIC xin ghi nhận, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đồng chí đại diện các doanh nghiệp, tại hội nghị ông Nguyễn Chí Thành cũng đã trực tiếp giải đáp thắc mắc của các đại biểu về các vấn đề như phương án triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp; việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không làm mở rộng thêm đối tượng quản lý so với hiện nay; triển khai đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, nhằm tạo ra giá trị gia tăng vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý…

Trong 5 năm tiếp theo (2026-2030), SCIC đặt mục tiêu tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, những lĩnh vực then chốt, trọng yếu mà Nhà nước cần nắm giữ và SCIC có lợi thế, tạo ra sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển. Do đó, tập thể lãnh đạo SCIC cần có trách nhiệm, ý thức sâu sắc để hoàn thành nhiệm vụ được giao theo Chiến lược và Đề án tái cơ cấu SCIC. Phải dám nghĩ, dám làm và phải có cách làm mới.

Đứng trước những thử thách và khó khăn SCIC mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các Bộ, Ngành, Cơ quan Trung ương và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trước mắt là tháo gỡ những vướng mắc pháp lý để kịp thời thực hiện và hoàn thành kế hoạch kinh doanh 02 năm 2024 – 2025 và Đề án tái cơ cấu SCIC.


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn