TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

SCIC đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Bạn đánh giá: 2 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Ngày 21/10/2022 tại Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trong không khí hân hoan của buổi lễ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước vinh đự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính Trị, Nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Hồ Xuân Trường - Phó Bí thư Đảng uỷ Khối DNTW; đồng chí Hồ Sỹ Hùng - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban QLVNN tại doanh nghiệp; các đồng chí đại biểu đại diện các Ban, Bộ, Ngành, Đảng uỷ Khối DNTW; nguyên Lãnh đạo SCIC qua các thời kỳ; Người đại diện vốn của SCIC tại các doanh nghiệp; Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, Doanh nghiệp, Ngân hàng là đối tác của SCIC cùng toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động SCIC.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng công ty SCIC

Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Quốc Huy - Tổng giám đốc SCIC phát biểu: "Đây là niềm vinh dự, là sự ghi nhận những đóng góp của Tổng công ty vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói riêng cũng như sự phát triển của đất nước nói chung. Trong thời gian tới, SCIC hướng tới mục tiêu trở thành tổ chức đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ".

Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy phát biểu

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hồ Sỹ Hùng - Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu của SCIC cùng với 18 Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dù vậy, đồng chí cũng nhận định cần đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, nhiệm vụ đặt ra của Tổng công ty là rất quan trọng và nặng nề.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu ý kiến chỉ đạo

​​Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị trong thời gian tới phía Tổng công ty cần sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển SCIC trong giai đoạn mới, để có căn cứ pháp lý đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư, thoái vốn; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn của SCIC; hoàn tất thủ tục ghi nhận vốn điều lệ của SCIC; báo cáo Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại SCIC; đẩy mạnh hơn nữa chức năng đầu tư, kinh doanh vốn của Tổng công ty;...

 

Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Chí Thành phát biểu ý kiến tiếp thu

Thay mặt tập thể Ban lãnh đạo SCIC, đồng chí Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo, định hướng của đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban QLVNN. Theo đó, SCIC xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 thành một tổ chức đầu tư tài chính, trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của Uỷ ban QLVNN góp phần vào quá trình tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian tới. Tổng công ty cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban QLVNN, Đảng uỷ Khối DNTW và các Bộ/ngành TW cùng sự phối hợp, đồng hành của Người đại diện SCIC tại doanh nghiệp.

Kể từ khi thành lập vào năm 2005 đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 DN với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 30.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2017 đến nay, triển khai cơ cấu lại SCIC theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/7/2017, SCIC đã tiếp nhận doanh nghiệp đạt kết quả vượt trội, với giá trị hơn 21.094 tỷ đồng, chiếm tới 68,5% giá trị tiếp nhận của SCIC từ khi thành lập.

Trong đó, SCIC tiếp nhận và triển khai tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn như: Tập đoàn Dệt may – Vinatex, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng – Licogi, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn – Sabeco…

SCIC đã chủ động xây dựng và báo cáo cơ quan có thẩm quyền phương án cơ cấu xử lý 02 dự án trong 12 đại dự án thuộc ngành Công thương: CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco), dự án Tisco 2 và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM). Những khó khăn của Vietnam Airlines trước cú sốc Covid-19 cũng đã phần nào được tháo gỡ bằng nỗ lực của SCIC khi triển khai giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ.

Sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án cơ cấu doanh nghiệp, nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh hiệu quả tạo giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; Tập trung xử lý tồn tại của các DN quản lý… Kết quả là, đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước giai đoạn 2017 - 2021 của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC đạt 31.801 tỷ đồng.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của SCIC đạt chỉ số ROE vượt trội trong năm 2021: CTCP Traphaco (26,1%), CTCP FPT (29,6%), CTCP Viễn thông FPT (38,1%), CTCP Sữa Việt Nam (36,0%), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (48,4%), CTCP cơ khí và KS Hà Giang (63,2%)

Việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn được SCIC thực hiện hiệu quả thông qua hoạt động thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 DN, bán quyền mua tại 19 DN với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.

Riêng giai đoạn 2017-2021, tổng giá trị bán vốn thu về 23.994 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị thu bán vốn của SCIC từ khi thành lập. Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại một số doanh nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao: CTCP Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), TCTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng). Tổng giá trị nộp NSNN là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp NSNN của SCIC từ khi thành lập đến nay.

Với vai trò là nhà đầu tư chính phủ, SCIC đã tham gia vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế với số tiền giải ngân đầu tư hơn 37.651 tỷ đồng.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển của mình, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, đạt kết quả khả quan, bảo toàn và phát triển vốn với các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt gần 60.500 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); Vốn hóa thị trường đạt của danh mục trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn