TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

SCIC hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11/2020

Bạn đánh giá: 1 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Với dấu mốc là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, Điều 8 Luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012 về phổ biến, giáo dục pháp luật ghi nhận: “Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Cụ thể hóa nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật.

Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn và đề cao quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật... Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Ngày Pháp luật cũng là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật, là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Nhờ vậy, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật với đời sống xã hội; từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.

Năm 2013 là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của nước ta, đó là việc toàn dân tích cực tham gia quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sau nhiều năm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, tới nay, Ngày Pháp luật không chỉ giới hạn là ngày 9/11 hàng năm mà ngày này được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng nhân dân, để cả 365 ngày trong năm nhắc nhớ, hướng mọi tổ chức, cá nhân đến viẹc tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Hòa cùng không khí trên toàn quốc, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, SCIC tích cực triển khai các hoạt động hướng tới ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020. SCIC xác định các nội dung trọng tâm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam là việc làm hàng ngày, hàng giờ và thường xuyên của cả Tổng công ty nói chung cũng như từng cán bộ, nhân viên nói riêng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, SCIC nhận thức rõ ràng điều kiện tiên quyết là tuân thủ, chấp hành đúng quy định của pháp luật. Do đó, SCIC rất đề cao vai trò của tổ chức pháp chế trong cơ cấu tổ chức của mình. Ban Pháp chế SCIC được Hội đồng quản trị SCIC (nay là Hội đồng thành viên) thành lập từ tháng 1/2008 với chức năng tham mưu cho Lãnh đạo SCIC về công tác pháp chế liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động kinh doanh của SCIC.

Thông qua Ban Pháp chế, mọi hoạt động của SCIC từ bán vốn, đầu tư, nhân sự, hoạt động thường xuyên... được đảm bảo về mặt pháp lý. Hệ thống quy chế nội bộ của SCIC cũng luôn được cập nhật, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự thay đổi liên tục của pháp luật. Đồng thời, SCIC hoàn thành tốt trách nhiệm góp ý đối với các văn bản pháp luật mà các cơ quan chức năng lấy ý kiến. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, SCIC liên tục bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích của cổ đông nhà nước trong các vụ án mà SCIC có liên quan. Bên cạnh đó, hiểu biết về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Người đại diện SCIC được nâng cao thông qua việc tuyên truyền văn bản pháp luật mới hằng tháng và một số buổi tập huấn văn bản pháp luật quan trọng.

Việc tuyên phổ biến pháp luật đặc biệt được SCIC chú trọng và triển khai dưới nhiều hình thức. Hằng tháng, SCIC hoàn thành Bản tin giới thiệu văn bản pháp luật mới gửi tới email cán bộ SCIC và đăng trên Bản tin Người đại diện (Báo giấy và Báo điện tử trên website của SCIC); Báo cáo phân tích ảnh hưởng của chính sách pháp luật mới tới hoạt động của SCIC gửi tới email cán bộ SCIC. Đối với các văn bản pháp luật mới ban hành có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của mình, SCIC luôn kịp thời hoàn thành Bảng so sánh điểm khác nhau giữa văn bản pháp luật cũ và mới để cán bộ SCIC tiện theo dõi và áp dụng trong công việc. Trước những văn bản quy phạm pháp luật có tính chấp quan trọng và ảnh hưởng lớn tới hoạt động của mình (như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Lao động, Luật chứng khoán, Luật Đấu thầu, Nghị định 32/2018/NĐ-CP và một số văn bản hướng dẫn...), căn cứ vào tính chất và mức độ tác động, SCIC mời chuyên gia tới tập huấn về điểm mới cho toàn thể cán bộ SCIC. Nhờ đó, hiểu biết về pháp luật của cán bộ SCIC rất vững vàng, sâu rộng, hữu ích cho công việc, nhờ đó, mang lại hiệu quả công việc cao và rút ngắn thời gian làm việc.

Trong thời gian tới, SCIC tiếp tục chỉ đạo các tập thể, cá nhân thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, đề cao ý thức chấp hành pháp luật trong mọi hoạt động của SCIC, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng, nhà nước giao và hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2020./.

-Bài viết của Ban Pháp chế SCIC-


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn