TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Đảng ủy SCIC tham luận tại Hội thảo khoa học “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững”

Bạn đánh giá: 3 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Chiều 12-10, tại Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững”. 

GS, TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Chí Thành- Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy, Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc SCIC thay mặt cho Đảng ủy SCIC tham gia Hội thảo với tham luận “Chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC thành quỹ đầu tư Chính phủ”.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Chí Thành cho biết, Dự thảo Chiến lược phát triển Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035 (đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và Ủy ban quản lý vốn nhà nước chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt), xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”, hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ Đầu tư của Chính phủ. Việc phát triển SCIC theo mô hình Quỹ Đầu tư Chính phủ (QĐTCP) phù hợp với sự chuẩn bị và chuyển hướng trong chiến lược hoạt động của SCIC, theo đó, từ sau 2025, SCIC sẽ chuyển trọng tâm từ quản trị doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh vốn một cách tích cực và chủ động, thông qua đó SCIC sẽ thực hiện đầy đủ và rõ nét hơn vài trò là nhà đầu tư của Chính phủ, với mục tiêu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Việc phát triển SCIC theo hướng trở thành QĐTCP ngang tầm khu vực và thế giới không chỉ phù hợp với định hướng của Đảng về củng cố, phát triển các DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả mà còn là giải pháp thiết thực trong việc tăng cường quy mô và chất lượng danh mục tài sản của nhà nước do SCIC đại diện chủ sở hữu, qua đó bổ sung nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

Điều kiện khá thuận lợi của SCIC trong việc chuyển đổi sang mô hình QĐTCP là với quy mô, nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy sau 15 năm hoạt động, SCIC đang có những điểm tương đồng nhất định với các QĐTCP. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam, mô hình QĐTCP mà SCIC hướng tới không hoàn toàn giống như các QĐTCP trên thế giới. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất là thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại nước ngoài là chính, SCIC chủ trương tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực để Chính phủ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm đòi hỏi phải có sự tham gia của nhà nước. Việc đầu tư vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC và được thể hiện xuyên suốt từ khi thành lập đến nay.  Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC

Để chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC thành Quỹ đầu tư Chính phủ, xuất phát từ chủ trương của Đảng, kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển của SCIC, đồng chí Nguyễn Chí Thành kiến nghị triển khai một số giải pháp sau:

Về chủ trương của Đảng, kiến nghị tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Trung ương Đảng xem xét có chủ trương về việc thành lập Quỹ Đầu tư Chính phủ trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC.  

Về cơ chế chính sách: Xây dựng khung pháp lý cho hoạt động của SCIC theo mô hình Quỹ Đầu tư Chính phủ:  Căn cứ trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế về hệ thống pháp lý cho hoạt động của các QĐTCP; phân tích, đánh giá hệ thống văn bản pháp lý hiện hành cho hoạt động của các DNNN nói chung và SCIC nói riêng; để hoạt động theo mô hình QĐTCP, SCIC cần  có hệ thống văn bản pháp lý về đặc thù hoạt động ở mức độ văn bản Luật, cao hơn mức hiện hành là Nghị định của Chính phủ. Đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành 01 chương quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động đặc thù của SCIC theo mô hình Quỹ ĐTCP theo thông lệ quốc tế tại Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý sửa dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69). Trong đó, SCIC với mô hình QĐTCP có thể là đầu mối để thực hiện các khoản đầu tư của Nhà nước cho DNNN (như Luật Đầu tư năm 2005)

Về nguồn lực tài chính: Để đảm bảo quy mô hoạt động của một QĐTCP, kiến nghị nguồn vốn hoạt động của SCIC có thể được hình thành từ các nguồn sau: Lợi nhuận sau thuế của SCIC giữ lại (không phải nộp NSNN theo Luật 69); Thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (hiện đang nộp về Quỹ HTSXDN);  Vốn huy động và các nguồn vốn khác. Đồng thời, theo kinh nghiệm của Temasek – Singapore trong giai đoạn 15 năm đầu thành lập, để tăng quy mô hoạt động, đề xuất Chính phủ tiếp tục chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có quy mô lớn về SCIC.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyển đổi từ hoạt động quản trị doanh nghiệp sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn theo mô hình QĐTCP (đào tạo chứng chỉ quản lý quỹ, CFA, CPA v.v...); xây dựng cơ chế tiền lương để thu hút chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư...

Để thực hiện được các định hướng trên, SCIC sẽ triển khai nghiên cứu xây dựng “Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC sang mô hình của Quỹ Đầu tư của Chính phủ” với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước; trên cơ sở hợp tác với các tổ chức tư vấn tài chính quốc tế có uy tín báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện./.

(Nguyên văn bài tham luận tại đây)


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn