TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Để làm tròn vai trò nhà đầu tư của Chính phủ

Bạn đánh giá: 2 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Năm 2020, trong các định hướng chiến lược đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), mục tiêu trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ” được đặt ra như một định hướng có vai trò trụ cột. Đây là mục tiêu có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn từ năm 2020 trở đi, khi danh mục doanh nghiệp (DN) bàn giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn.

Để hiện thực mục tiêu trở thành "nhà đầu tư của Chính phủ", theo Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành, trong giai đoạn 2020 - 2025, SCIC dự kiến giải ngân đầu tư 13.000 đến 16.000 tỷ đồng/năm. Nguồn vốn này tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế. Được thành lập với mục tiêu trở thành nhà đầu tư và kinh doanh nguồn vốn của Nhà nước vào nền kinh tế.

Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, SCIC đã tiếp nhận và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời với quá trình này là quá trình tích tụ, tập trung vốn nhà nước để đầu tư vào các dự án có hiệu quả, các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ chi phối. Chính vì thế, đồng vốn nhà nước được SCIC điều phối linh hoạt đã thật sự tăng cường vai trò chủ đạo, định hướng của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế.

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 28.500 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư của SCIC được triển khai từng bước, theo hướng thận trọng, bảo đảm định hướng của Chính phủ và tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Cho tới nay, với các hoạt động đạt hiệu quả tích cực, bảo toàn được giá trị và tăng trưởng vốn nhà nước, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn đầu tư, hiệu quả đầu tư đạt khá cao so với các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Tỷ suất lợi nhuận trên toàn danh mục đầu tư trong giai đoạn 2006-2019 đạt 13%.

Tuy nhiên, trong thực tế, xét theo vị thế và tầm ảnh hưởng đem lại, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhất là vướng mắc pháp lý (về thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên SCIC; ngành, lĩnh vực được phép đầu tư; Chiến lược phát triển chưa được phê duyệt…) nên hoạt động đầu tư của SCIC trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như chưa đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ. Vai trò của SCIC với tư cách nhà đầu tư của Chính phủ chưa rõ nét, chưa có tác động lan tỏa trong nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra khi thành lập SCIC.

Chính vì vậy, sau khi xem xét kỹ lưỡng, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của SCIC, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo: Định hướng đầu tư của SCIC cần phải có chiến lược phát triển đúng hướng, huy động được nhiều nguồn lực theo cơ chế thị trường để góp phần cùng các tập đoàn, tổng công ty tạo nên sức mạnh của kinh tế nhà nước, tạo nguồn lực lớn để phát triển kinh tế xã hội. SCIC phải xác định rõ hơn mục tiêu chiến lược trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ; quy mô tăng vốn cần thiết. “SCIC cũng đang nghiên cứu mô hình Quỹ đầu tư lớn của Chính phủ các nước (như mô hình Temasek của Xin-ga-po) để có định hướng phát triển lên quy mô lớn, hiệu quả”, Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành khẳng định.

Để thực hiện chỉ đạo này, SCIC nhanh chóng đưa định hướng mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, không chỉ trở thành “nhà đầu tư của Chính phủ”, SCIC hướng tới trở thành quỹ đầu tư của Chính phủ từ sau năm 2035. Sở dĩ phải đưa vào định hướng chiến lược, là bởi hoạt động đầu tư là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của SCIC.

Trong giai đoạn từ năm 2020 trở đi, sau khi nhiệm vụ tiếp nhận và tái cơ cấu doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của các quỹ đầu tư chính phủ ở nhiều nước trên thế giới: thời gian đầu tích lũy nguồn lực và kinh nghiệm từ việc quản trị danh mục được chính phủ giao quản lý, sau đó đi đôi với việc thoái vốn sẽ chuyển hướng dần sang hoạt động đầu tư, từng bước đẩy mạnh đầu tư trong nước cũng như quốc tế - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi phân tích.

Theo nhiều chuyên gia, với quy mô, nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy sau 14 năm hoạt động, SCIC đang có những điểm tương đồng nhất định với các quỹ đầu tư chính phủ. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của Việt Nam, mô hình quỹ đầu tư chính phủ mà SCIC hướng tới không hoàn toàn giống như các quỹ đầu tư chính phủ trên thế giới. Trong đó, điểm khác biệt lớn nhất là thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại nước ngoài là chính, SCIC chủ trương tập trung các nguồn lực để tìm kiếm và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, phấn đấu trở thành công cụ đắc lực để Chính phủ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà nước. Việc đầu tư vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của SCIC và được thể hiện xuyên suốt từ khi thành lập đến nay.

Khi tham gia đầu tư, SCIC sẽ đóng vai trò là người cung cấp “vốn mồi” để thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài, tận dụng những lợi thế sẵn có của SCIC như: uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; năng lực tài chính vượt trội; lợi thế về nguồn vốn, quỹ đất, kinh nghiệm triển khai dự án và kinh nghiệm hoạt động trong nhiều lĩnh vực của các đơn vị thành viên trong danh mục đầu tư của SCIC; kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo và cán bộ của SCIC qua nhiều năm thực hiện công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại gần 1.100 doanh nghiệp. Đó là chưa tính trong giai đoạn 2020-2035, SCIC định hướng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để bảo đảm đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, sự chuyển mình của SCIC trong tình hình mới cần được thực hiện nhanh chóng, dứt khoát. Để có thể “đón đầu” giai đoạn mới, nhất là trong điều kiện hiện nay, SCIC sẽ đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực như công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...), kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...), năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...) và tài chính ngân hàng, đều là những lĩnh vực kinh tế then chốt. Định hướng thì đã rõ, SCIC cần được trang bị thêm những điều kiện cần và đủ để đảm đương vai trò đầu tư nguồn vốn nhà nước.

PV

Theo Nhân dân điện tử/Thứ Hai, 29-06-2020,


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn