TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị chuyên nghiệp để sinh lời

Bạn đánh giá: 4 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Sau khi tiếp nhận, đơn vị đại diện quản lý vốn nhà nước đã áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến; chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; tham gia quyết định các phương án kinh doanh của DN, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN; làm gia tăng giá trị thu về cho Nhà nước khi triển khai bán vốn.

Quản trị chuyên nghiệp để tăng hiệu quả

2019, năm đầu tiên nhận chuyển giao vốn nhà nước tại Tổng công ty Thép Việt Nam - Vnsteel, báo cáo tài chính của SCIC ghi nhận một khoản trích lập dự phòng lên tới vài nghìn tỷ, khiến lợi nhuận của TCT giảm tương ứng. Đó là thời điểmVnsteel phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dòng tiền thiếu hụt, thị phần liên tục giảm...

Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Công thương, SCIC đã triển khai công tác tái cơ cấu, đặc biệt là hai khoản đầu tư dài hạn có giá trị lớn của Vnsteel tại CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung–VTM.

Bản Đề án tái cơ cấu Vnsteel đã được xây dựng làm cơ sở cho doanh nghiệp triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên.

Đến nay Vnsteel đã có lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi so với thời điểm vốn nhà nước được chuyển giao về SCIC.

Đặc biệt đáng chú ý, câu chuyện tái cơ cấu VTM, một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương đã được SCIC tham gia tái cơ cấu thành công.

Mặc dù được cấp phép khai thác quặng sắt mỏ Quý Xa (mỏ sắt có trữ lượng và chất lượng tốt nhất của Việt Nam) nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM gặp rất nhiều khó khăn và càng khó khăn hơn khi giấy phép hoạt động khoáng sản của Công ty hết hạn và không đủ điều kiện để được gia hạn. Do hết quặng, VTM đã buộc phải dừng sản xuất từ ngày 16/9/2021.Nếu để VTM bị phá sản thì hệ quả để lại là rất lớn: Vnsteel sẽ có nguy cơ mất ngay khoản vốn góp tại VTM, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của Vnsteel; các nhà cung cấp có khả năng không thu hồi được nợ, ngân hàng không thu hồi được vốn cho vay tại VTM. Ngoài ra, khoảng 1.400 lao động sẽ bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội, thu ngân sách của tỉnh Lào Cai. 

Trước tình hình đó, SCIC đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Đến ngày 29/12/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 164/NQ-CP về việc cho phép VTM khai thác 1 triệu tấn quặng sắt mỏ Quý Xa trong thời hạn 1 năm để có thời gian hoàn thành Đề án tái cơ cấu.

Tương tự Vnsteel là hành trình lột xác tại Seaprodex. Ngay sau khi nhận bàn giao phần vốn Nhà nước, SCIC cùng với Seaprodex đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường của Seaprodex vào tháng 10/2018, bầu  03 Thành viên Hội đồng quản trị là cán bộ SCIC. 

Từ những giải pháp cải thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, định hướng chiến lược phát triển và sự sát sao chỉ đạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Seaprodex đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi chỉ tiêu lợi nhuận từ lúc chuyển giao đến nay đều có sự tăng trưởng hàng năm, đặc biệt là việc đạt được lợi nhuận đột biến trong năm 2021 vừa qua. Phần vốn nhà nước tại Seaprodex đã tăng gấp 3 kể từ thời điểm chuyển giao vốn về SCIC.

Bàn về những câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhiều lần nhấn mạnh rằng, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nên được giao cho các đơn vị quản lý vốn chuyên nghiệp thay vì để rải rác ở các bộ ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp các địa phương như hiện nay.

Việc tách bạch chức năng quản lý vốn và chức năng quản lý hành chính nhà nước sẽ chấm dứt tình trạng “bỏ bê, vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý vốn nhà nước. Khi được quản trị chuyên nghiệp, doanh nghiệp sẽ thay đổi, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn, và kết quả là đồng vốn nhà nước gia tăng.

Với riêng SCIC, bên cạnh việc quản trị vốn hiệu quả, đã triển khai bán vốn tại 1.020 doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước, thu về 48.841 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 4,4 lần), trong có một số doanh nghiệp có quy mô lớn: CTCP Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), CTCP Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), TCTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng),…

Hiện tại, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đã có. Sẽ có thêm những doanh nghiệp quy mô lớn nằm trong diện Nhà nước thoái vốn khi Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ được phê duyệt. Dù vậy, thực tiễn đã cho thấy, quá trình thoái vốn không thể diễn ra “một sớm, một chiều”, để đồng vốn nhà nước được quản lý và gia tăng hiệu quả, rất nên chuyển giao về những đầu mối quản lý chuyên nghiệp và “có nghề” như nhận xét của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung.

Nguyễn Lan

Theo Vietnamnet.vn


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn