TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Chính phủ coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Chính phủ coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Vũ Tiến Lộc, đây là minh chứng cho việc Chính phủ đã coi tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN)

là hoạt động trọng tâm của Chính phủ.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Theo Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 vừa ban hành, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, tăng gấp đôi số lượng DN so với hiện nay, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và củng cố niềm tin của DN.

Đặc biệt, Nghị quyết 35 yêu cầu lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến DN. Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.

Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các DN, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh. Có chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp... Các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý.

Tạo điều kiện cho DN giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng, mở một chuyên mục về hỗ trợ phát triển DN trên trang thông tin điện tử. Công khai quy trình, thủ tục, điều kiện kinh doanh (nếu có), kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại của DN trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.

Chủ tịch UBND các địa phương tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của địa phương để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho DN.

Giảm thuế và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Tại Nghị quyết 35/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016; xử lý nợ chậm nộp cho DN gặp khó khăn khách quan; nghiên cứu, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa.

Nghiên cứu, đề xuất bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều), giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực.

Đặc biệt, rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế, hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện...

Bộ Công Thương chủ trì triển khai và thực hiện nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành về chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN theo đúng các cam kết quốc tế; xây dựng đề án tổ chức lại thị trường trong nước và thị trường biên mậu, đẩy mạnh chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trình Chính phủ trong quý 3/2016.

Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành về đất đai theo hướng cho phép các DN hạ tầng khu công nghiệp và DN thứ cấp được phép thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng và huy động vốn dài hạn, trình Chính phủ trong quý 3/2016.

Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cho phép áp dụng thời hạn thanh toán tiền thuê đất linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của DN nhỏ và vừa, rà soát sửa đổi các quy định nhằm đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục về đất đai..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016.

Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, rà soát, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng, nghiên cứu, xây dựng các chương trình vay vốn với lãi suất hợp lý.

                                                                                    T.Hường

Loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý

Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có nhấn mạnh đến việc loại bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh bất hợp lý để tạo thuận lợi cho DN.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng: Không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tất cả các Nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau ngày 1/7, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng các văn bản này bằng các giải pháp như các bộ, ngành trực tiếp làm việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, thực hiện ban hành theo thủ tục quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Sau khi ban hành, những điểm nào không phù hợp với thực tiễn thì phải sửa đổi kịp thời. Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp phải thường xuyên đôn đốc, trực tiếp kiểm tra, trực tiếp làm việc với các tổ biên tập, ban soạn thảo để giải quyết từng vướng mắc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Loại bỏ các rào cản với DN

Theo rà soát của CIEM thì cho đến nay đang có hơn 6.000 quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có hơn 3.000 nằm ở các thông tư của các bộ, ngành, địa phương. Tới đây, các quy định về điều kiện kinh doanh đối với DN mà không nằm ở nghị định thì sẽ không còn hiệu lực kể từ từ 1/7/2016. Chính vì vậy thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương đang phải rà soát các điều kiện kinh doanh do mình quy định. Quy định nào cần thiết thì xây dựng thành nghị định.

Phải rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh vì đây là rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của DN, đặc biệt là các DNNVV. Rất nhiều quy định của các bộ, ngành, địa phương, đọc xong các đối tượng bị quản lý không biết thực hiện như thế nào, bởi không rõ ràng, hiểu thế nào cũng được. DN không biết làm thế nào là đúng nên phải “chi phí” cho được việc.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI: Giảm gánh nặng thủ tục hành chính

Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây đã nêu lên một thực tế đang lo ngại là quy mô DN càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh kiểm tra của các cơ quan nhà nước càng gia tăng. Đáng lo ngại là chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra cũng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo báo cáo PCI 2015 của VCCI, tỉ lệ DN cho biết phải chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (năm 2015). Hơn 11% DN tham gia điều tra cho biết các khoản chi phí không chính thức chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ. Vẫn có 65% DN cho biết “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến. Vì vậy, Chính phủ mới phải tập trung làm quyết liệt là cải cách môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Theo Nghị quyết 35, đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn