Tổng Giám đốc SCIC tham dự Hội thảo “Thực trạng kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhà nước”
- Le Kim Chi
- Lượt xem: 2718
Tổng Giám đốc SCIC tham dự Hội thảo “Thực trạng kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhà nước”
Ngày 29/11/2019, tham dự Hội thảo “Thực trạng kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp nhà nước” tại TP. Hồ Chí Minh do Thanh tra Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Chí Thành - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã có bài phát biểu tham luận quan trọng về về cơ chế kiểm soát nội bộ với việc bảo đảm tuân thủ pháp luật của SCIC trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn và quản trị vốn tại các doanh nghiệp.
Ảnh: Tổng Giám đốc SCIC Nguyễn Chí Thành phát biểu tham luận tại Hội thảo
Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Chí Thành cho biết, nhằm đảm bảo mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn theo quy định về chức năng, nhiệm vụ tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC, mô hình kiểm soát nội bộ của SCIC đã được xây dựng trải qua các giai đoạn khác nhau, trong đó, giai đoạn từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến tháng 7/2010 là giai đoạn SCIC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bởi Luật DNNN 2003, công táckiểm soát nội bộ thuộc về Ban Kiểm soát do Hội đồng quản trị thành lập để giúp giám sát việc quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, quyết định của HĐQT và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của HĐQT.
Sau khi chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước theo Quyết định số 992/QĐ-TTg ngày 10/6/2010, mô hình Ban Kiểm soát do HĐQT thành lập được thay bằng Kiểm soát viên do Chủ sở hữu bổ nhiệm (Bộ Tài chính sau này là UBQLVNN). Nhiệm vụ của Kiểm soát viên do chủ sở hữu giao là kiểm soát toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban Giám đốc trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chủ sở hữu giao. Do đó, để đảm bảo công tác kiểm soát nội bộ tại SCIC được chặt chẽ hơn, ngày 30/6/2010, Hội đồng quản trị SCIC đã có Quyết định số 36/QĐ-ĐTKDV.HĐQT thành lập Ban Quản lý rủi ro với chức năng nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo SCIC trong công tác quản lý rủi ro; kiểm tra nội bộ với phạm vi quản lý rủi ro về chính sách, chiến lược, quy trình, quy chế, nghiệp vụ, hệ thống quản lý nội bộ, kiểm tra các mặt hoạt động các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC và kiến nghị các giải pháp khắc phục, tồn tại, thiếu sót qua công tác kiểm tra.
Công tác kiểm tra, kiểm soát của Ban Quản lý rủi ro tại Tổng công ty được thực hiện trước, trong, và sau trên tất cả các hoạt động như đầu tư, cổ phần hóa, thoái vốn, quản trị doanh nghiệp..., trong đó bao gồm các hoạt động kiểm tra trước nhằm đánh giá các rủi ro tiềm tàng có thể ảnh hưởng đến kết quả, hình ảnh của Tổng công ty trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định nội bộ của SCIC trong quá trình đầu tư, mua sắm, thoái vốn, quản trị doanh nghiệp thông qua việc tham gia ý kiến với vai trò độc lập.
Về kiểm soát trong quá trình cổ phần hóa, qua kết quả và thực tiễn công tác cổ phần hóa của SCIC thời gian, ông Nguyễn Chí Thành chỉ ra một số vấn đề chủ yếu cần kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát vốn nhà nướcnhư việc quản lý sử dụng đấtcủa doanh nghiệp, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệpvà tài chính doanh nghiệp, kiểm soát phương án bán đấu giá cổ phần, hiện tượng tăng vốn sau khi cổ phần hóa (trước khi bàn giao về SCIC theo quy định của Thủ tướng Chính phủ) nhằm giảm tỷ lệ chi phối của nhà nước.
Đối với việc kiểm soát trong quá trình quản trị và thoái vốn doanh nghiệp, bằng thực tiễn của SCIC trong nhiều năm ông Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng như: cần phân loại nhóm các doanh nghiệp trên cơ sở tỷ lệ, giá trị vốn nhà nước, ngành nghề hoạt động; kiện toàn hệ thống Người đại diện; củng cố Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát; tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc/Giám đốc. Chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch thông tin về danh sách thoái vốn các doanh nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng và website của Tổng công ty. Phối hợp với Người đại diện, doanh nghiệp rà soát tình hình quản lý sử dụng đất đai của doanh nghiệp trước khi thực hiện công tác định giá doanh nghiệp.Phối hợp, làm việc với các đơn vị tư vấn thẩm định giá để đảm bảo xác định các phương pháp định giá phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với các quy định của pháp luật. Chủ động xin ý kiến, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền đối với những vấn đề phát sinh chưa được pháp luật quy định để có hướng dẫn cụ thể. Phối hợp với Công ty chứng khoán để xây dựng phương án bán đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời cử các cán bộ có năng lực để thực hiện giám sát công tác bán vốn đối với các doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như UBCK, cơ quan an ninh, để thực hiện giám sát công tác bán cổ phần đối với các doanh nghiệp có giá trị lớn và tầm ảnh hưởng quan trọng như Vinamilk, Vinaconex./.