Hội thảo về Chiến lược phát triển phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035
- Le Kim Chi
- Lượt xem: 2224
Hội thảo về Chiến lược phát triển phát triển SCIC giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035
Chiều 12/11, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Tham dự hội thảo có đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương cùng đại diện các Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội); Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính); Vụ Đổi mới doanh nghiệp -VPCP.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Phạm Tuấn Anh, đại diện các vụ Năng lượng, Pháp chế, Kiểm soát nội bộ…
Về phía SCIC, tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Nguyễn Chí Thành - thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc và đại diện các ban chức năng.
Ảnh: Phó chủ tịch UBQLVNN Hồ Sỹ Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh, trải qua hơn 12 năm hoạt động, SCIC đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với các DNNN. Việc SCIC xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới là cần thiết và đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Mục tiêu trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp hàng đầu
Trong nội dung chiến lược phát triển, SCIC xác định tầm nhìn trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu với sứ mệnh thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu tổng quát giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, SCIC phấn đấu thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp và hàng đầu với quy mô tổng tài sản đạt khoảng 79.000 tỷ đồng và đến năm 2035, trở thành 1 trong 10 tập đoàn đầu tư tài chính có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu Việt Nam.
Để đạt các mục tiêu trên, SCIC cũng đề ra các giải pháp thực hiện và lộ trình triển khai chiến lược như: Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động cũng như hệ thống thể chế, xây dựng cơ cấu, bộ máy tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều lệ tổ chức và hoạt động của tổng công ty trong từng giai đoạn; nâng cao hiệu quả quản lý, năng lực đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở định hướng hoạt động chung đề ra trong chiến lược, SCIC sẽ xây dựng định hướng đầu tư cụ thể cho từng thời kỳ, đảm bảo tuân thủ tỷ trọng phân bổ tài sản, ngành, lĩnh vực ưu tiên và phù hợp với các tiêu chí về lợi nhuận… của SCIC.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, chiến lược phát triển SCIC được xây dựng công phu, tỉ mỉ, bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chiến lược cũng đã chỉ ra các mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động của SCIC trong giai đoạn tới. Để hoàn thiện chiến lược, một số nội dung được các đại biểu nhấn mạnh, đó là cơ sở pháp lý, việc xác định nhóm mục tiêu và giải pháp cũng như lộ trình thực hiện…
Ảnh: Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy KDNTW
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Tấn Công cho rằng, chiến lược có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là với SCIC. Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương hoan nghênh Ủy ban có cách làm nghiêm túc khoa học trong việc hoạch định đường lối phát triển của doanh nghiệp, giúp SCIC phát triển đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. Góp ý cho chiến lược, theo đồng chí Phạm Tấn Công, xây dựng chiến lược cần dựa trên mục tiêu chiến lược và từ đó xây dựng năng lực chiến lược, có thể tham khảo các mô hình chiến lược đã từng thành công trên thế giới nhằm xây dựng chiến lược theo chuẩn mực quốc tế để tăng sức thuyết phục và thu hút các nhà đầu tư.
Ảnh: Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hồng Long nhận định, SCIC có kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan. Thoái vốn là một trong những lĩnh vực hoạt động chủ yếu, thể hiện rõ vai trò của SCIC trong quá trình tái cơ cấu các DNNN. Luỹ kế đến nay, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 995 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp với giá vốn hơn 11.000 tỷ đồng và thu về hơn 47.000 tỷ đồng. Để chiến lược hoàn thành cần có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đầy đủ. Cơ sở pháp lý đang còn thiếu, bởi SCIC là một doanh nghiệp đặc thù, khác với mọi tập đoàn, tổng công ty về cơ cấu tổ chức nên cần có các cơ sở pháp lý khác. Cơ sở thực tiễn là nguồn lực tài chính, SCIC đã có kinh nghiệm và thành quả nhất định trong đầu tư và kinh doanh vốn, do vậy có thể giao SCIC quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thoái vốn… để chuẩn bị tốt về nguồn lực tài chính.
Ảnh: Chủ tịch HĐTVSCIC Nguyễn Đức Chi
Cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của đại biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC khẳng định, SCIC sẽ tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện và trình dự thảo chiến lược lên cấp có thẩm quyền và mong quá trình thẩm định được rút ngắn để Uỷ ban sớm nhận được ý kiến của các bộ, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ để trình chiến lược lên Chính phủ để sớm ban hành để SCIC có thể góp phần đẩy nhanh tiến trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với khu vực DNNN.