TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Thông cáo báo chí hội thảo khoa học mô hình quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam

Bạn đánh giá: 1 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI THẢO KHOA HỌC

MÔ HÌNH QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP TRONG TIẾN TRÌNH TÁI CƠ CẤU DNNN Ở VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 27/4/2017, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công Nghệ Hà Nội phối hợp với Thời báo Tài chính Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của các diễn giả đến từ các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu và đào tạo, các chuyên gia kinh tế độc lập, đại diện tập đoàn và tổng công ty lớn của Nhà nước.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đề án đang trong quá trình hoàn thiện, cân nhắc lựa chọn một số mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định. Theo đó, có hai mô hình được đề xuất lựa chọn. Một là: Mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước, theo đó sẽthành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là: Mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một doanh nghiệp nhà nước làm nhiêm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.

Để tìm được một mô hình hợp lý đảm bảo các mục tiêu như trên, Hội thảo đã thu hút các bài tham luận đến từ đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp), các chuyên gia kinh tế... đi sâu vào phân tích những ưu, nhược điểm; cách thức hình thành và cơ chế hoạt động của cả hai mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu mới đang được Chính phủ đề xuất, lựa chọn.

Tuy mỗi mô hình đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định, nhưng theo lời phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – Chủ trì hội thảo đã nhấn mạnh rằng: Việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phù hợp với quy mô, tiến trình cải cách DNNN. Mô hình mới cũng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý...

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng: Mục tiêu đặt ra cho việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước nhằm để: Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp một cách tập trung, thống nhất thay vì phân tán ở nhiều cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, cải thiện chất lượng quản trị DNNN; Thúc đẩy và hỗ trợ các cơ quan quản lý hành chính nhà nước tập trung chuyên môn, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng.

Do vậy, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: Cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, nhằm hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào doanh nghiệp; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; Sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp...

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính trong tham luận giới thiệu “Một số mô hình quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trên thế giới – Ưu, nhược điểm và hàm ý cho Việt Nam” cũng cho biết thêm: Khi xem xét lựa chọn mô hình quản lý DNNN, mục tiêu hàng đầu phải là phân tách giữa “chính và doanh”, tức là phân tách quản lý hành chính nhà nước và quản lý doanh nghiệp, phân tách giữa chính trị và kinh doanh, nhất là đối với các DNNN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

“Qua nghiên cứu kinh nghiệm của gần 40 quốc gia trên thế giới về mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước, mô hình tập trung trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xu thế chung đang được đa phần các nước trên thế giới áp dụng. Trong các mô hình tập trung thì mô hình công ty là có nhiều ưu thế và đang được nhiều nước áp dụng thành công, một số nước cũng đang từng bước chuyển đổi sang mô hình này (như Trung Quốc)”, vị đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết.

Đứng trên góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Đinh Văn Nhã – Chuyên gia kinh tế nêu ra 3 phương án về mô hình quản lý vốn nhà nước: Phương án 1 là “giữ nguyên hiện trạng”. Phương án 2 là “Thành lập cơ quan chuyên trách - Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (“Ủy ban”)”, với 2 phương án nhỏ: Phương án 2.a: “Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ”, do Chính phủ thành lập, quản lý danh mục khoảng 30 tập đoàn kinh tế, trong đó, bao gồm SCIC là đầu mối độc lập để quản lý và thoái vốn tại các công ty cổ phần mà Nhà nước không cần nắm giữ, cán bộ điều chuyển từ các bộ, ngành, và bổ sung nhân sự đủ điều kiện từ SCIC; Phương án 2.b: “Nâng cấp SCIC thành Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” để quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước. Phương án 3: “Mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp”.

Ông Đinh Văn Nhã cho rằng, nên lựa chọn phương án 3, vì tác động tiêu cực thấp hơn và tác động tích cực cao hơn phương án 1 và phương án 2. Trong “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” đánh giá tác động và so sánh cách phương án, ở mục “Thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ” vẫn chưa đủ cụ thể để phân tích được tác động thực sự cho cả phương án 2 và 3, nhưng ở các mục tiêu quan trọng như “Khắc phục các bất cập do chức năng chủ sở hữu đồng thời là chức năng quản lý nhà nước” và “Nhất quán với quy định pháp luật hiện hành (bãi bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ)” và các mục tiêu khác thì phương án 3 đều cho kết quả cao nhất so với phương án 1 và 2...

Chuyên gia về tài chính doanh nghiệp, ông Phạm Đình Soạn cho rằng, phương án thành lập Ủy ban mới cần phải được tham khảo kỹ ý kiến doanh nghiệp. “Cái mà doanh nghiệp muốn là sự thay đổi bên trong, thay đổi về chất”. Theo đó, ông Phạm Đình Soạn đề xuất, phương án nâng cấp SCIC theo mô hình doanh nghiệp sẽ là khả thi nhất, vì mô hình này không tạo ra sự xáo trộn nào.

Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” là diễn đàn khoa học hữu ích để chia sẻ thông tin, nhằm đóng góp ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra./.

Nguồn: Thời báo Tài chính.

Các diễn giả tại hội thảo

Ảnh: Phó Cục trưởng, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến tham luận tại Hội thảo

Ảnh: Phó Tổng giám đốc SCIC Nguyễn Hồng Hiển tham luận tại Hội thảo

Ảnh: PGS.TS Đinh Văn Nhã- Phó Chủ nhiệm UBTC-NS Quốc hội tham luận tại Hội thảo

Ảnh: Đại diện Phòng thương mại-công nghiệp Việt Nam (VCCI) tham luận tại Hội thảo

Ảnh: Nguyên Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Quản lý vốn và tài sản NN tại doanh nghiệp; nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính Phạm Đình Soạn tham luận tại Hội thảo

Ảnh: TS. Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc phát triển trường Đại học Fulbright Việt Nam tham luận tại Hội thảo


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn