TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Tóm tắt kết quả hoạt động năm 2016 của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước

Bạn đánh giá: 1 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

TÓM TẮT KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2016
CỦA TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

1.Kết quả hoạt động năm 2016

Theo báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2016 của SCIC, các chỉ tiêu kinh doanh của Tổng công ty đều vượt kế hoạch và tăng so với năm 2015, trong đó, lợi nhuậntrước và sau thuế năm 2016 đạt 107% so với kế hoạch và gấp 2 lần so với thực hiện năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của SCIC năm 2016 đạt 19,9%, bằng 1,24 lần kế hoạch năm.

Một trong những điểm nhấn năm 2016 của SCIC là công tác bán vốn. Trong bối cảnh thị trường không thuận lợi nhưng nhờ sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm bán vốn qua nhiều năm, cùng với sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai nên công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC được đẩy mạnh và vượt kế hoạch đề ra về doanh thu. Năm 2016, Tổng công ty bán vốn thành công tại 73 DN (trong đó có tới 37 doanh nghiệp thuộc diện khó bán, bán nhiều lần), thu về 16.112 tỷ đồng trên giá vốn 3.083 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,2 lần. So với chỉ tiêu kế hoạch, giá trị bán vốn đạt 105% và gấp 4,5 lần năm 2015”.

Đặc biệt, ngày 12/12/2016, SCIC đã thực hiện bán 5,4% số cổ phần tại Vinamilk theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thu về 11.286 tỷ đồng, gấp 28 lần so với giá vốn. So với giá thị trường tại thời điểm giao dịch, SCIC đã thu về giá trị gia tăng tới hơn 800 tỷ đồng do giá bán 144.000 đồng/cổ phần cao hơn giá thị trường ngày chốt phiên giao dịch là 133.700 đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của SCIC, thu hút được dòng vốn ngoại lớn bổ sung vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình cổ phần hóa và bán vốn nhà nước.

Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính trên thị trường, trong điều kiện thị trường trong nước và quốc tế nhiều biến động như hiện nay, việc bán được cổ phần với giá trị lớn nhất (500 triệu USD, giao dịch lớn nhất Đông Nam Á trong năm) với giá cao hơn giá thị trường là một thành công. Để có được thành công đó, phải kể đến sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng của SCIC, Vinamilk và liên danh tư vấn (gồm Morgan Stanley, Vinacapital và SSI). Rất nhiều các buổi gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng tại Singapore, HongKong, London đã được tổ chức. Các thông tin về doanh nghiệp cũng như về đợt chào bán đều được công bố công khai, rộng rãi trên thị trường.

Về công tác quản trị doanh nghiệp, năm 2016, với sự hỗ trợ của JICA, SCIC đã lần đầu tiên phổ biến và áp dụng Bộ Quy tắc Quản trị theo chuẩn mực OECD mới tới các DN trong danh mục, đồng thời ban hành Sổ tay Hướng dẫn Biểu quyết đối với hệ thống Người đại diện, giúp Người đại diện dễ dàng nắm bắt các nguyên tắc khi tham gia ý kiến hoặc biểu quyết các vấn đề tại DN. SCIC cũng tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước; tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp. Tính đến 31/12/2016, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 146 doanh nghiệp với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.841 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 88.108 tỷ đồng. Trong đó có 22 doanh nghiệp nhóm A1 với tỉ trọng vốn nhà nước là 61%, 13 doanh nghiệp nhóm A2 với tỉ trọng vốn nhà nước là 6%, 33 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỉ trọng vốn nhà nước là 27%, và 78 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỉ trọng vốn nhà nước là 6%.

Năm 2016, hoạt động đầu tư dự án đã có bước tiến triển hơn các năm trước với một số dự án trọng tâm như: Dự án Tháp Tài chính, Đề án sản xuất vắcxin quy mô công nghiệp, Đề án Nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư. SCIC đã tổ chức xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Đồng Tháp; nghiên cứu các dự án kêu gọi đầu tư như Nhà máy nước Sông Đà 2, Sân bay Long Thành, Cảng Lạch Huyện – Hải Phòng…

2. Định hướng hoạt động trong năm 2017

Trên cơ sở đánh giá tình hình năm 2016 và dự báo năm 2017, phương hướng hoạt động năm 2017 của Tổng công ty tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:

(i) Đẩy mạnh công tác tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước: Đôn đốc các Bộ/UBND tỉnh chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã thống nhất trước 31/3/2017 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 2225/TTg – ĐMDN ngày 12/12/2016.

(ii) Tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, đặc biệt là các doanh nghiệp nhóm A1; Đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành tái cơ cấu và sắp xếp các công ty TNHH 1 TV; Tiếp tục tập trung tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số doanh nghiệp; xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt; Tăng cường việc giám sát thực hiện Quy chế Người đại diện và kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống Người đại diện.

(iii) Tiếp tục triển khai tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn.

(iv) Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính.

(v) Tiếp tục nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của SCIC thông qua việc hoàn thiện Chiến lược, các quy trình, quy chế nghiệp vụ, tăng cường đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá (KPIs) khoa học, thu hút, giữ chân cán bộ có trình độ, kinh nghiệm,,,

Qua thực tế hoạt động của SCIC từ khi thành lập cho thấy, những thành quả bước đầu SCIC đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong quá trình đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Thực tế cho thấy việc quản lý vốn thông qua SCIC tỏ ra hiệu quả hơn so với mô hình bộ/ngành/địa phương chủ quản đối với doanh nghiệp. Kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước sau khi chuyển giao sang SCIC quản lý đã đạt hiệu quả hơn rõ rệt, vốn nhà nước được quản lý chặt chẽ hơn và đã không ngừng sinh sôi với mức tăng trưởng rất cao. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục phát huy mô hình này, trong đó một yếu tố đặc biệt quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ bàn giao các doanh nghiệp đang do các bộ/ngành/địa phương quản lý sang SCIC để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Qua thực tiễn 10 năm tiếp nhận, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp và kết quả bảo toàn, phát triển vốn nhà nước của SCIC; nghiên cứu kinh nghiệm thế giới về lựa chọn mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước; trên cơ sở đánh giá triển khai Kết luận số 78-KL/TW của Bộ Chính trị; để đáp ứng yêu cầu của tiến trình tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp DNNN và đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ cơ chế hành chính sang cơ chế đầu tư, kinh doanh vốn; trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo toàn và tăng trưởng lợi ích của nhà nước trong tiến trình đổi mới, sắp xếp DNNN, nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty.

Ghi nhận cho những thành tích xuất sắc mà SCIC đã nỗ lực thực hiện, Tổng công ty đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tổng công ty đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đảng và Nhà nước - đây vừa là sự ghi nhận vừa là sự khẳng định một lần nữa về tính hiệu quả của SCIC - mô hình tiên tiến cần được tiếp tục hoàn thiện và phát huy trong quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp./.


GIỚI THIỆU
Tầm nhìn
Trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước hàng đầu ở Việt Nam,một trong những đầu mối thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công, phân cấp.
Sứ mệnh
Giá trị theo đuổi
LIÊN KẾT WEBSITE
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Image
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn