TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

NTP: Nhựa Tiền Phong - Điểm tựa tăng trưởng mới

Bạn đánh giá: 4 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Trước thềm cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra vào ngày 19/4, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) về kế hoạch kinh doanh trong năm nay. 

Được biết, Nhựa Tiền Phong dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu tăng trưởng so với năm ngoái, nhưng lợi nhuận lại thấp hơn. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

Tại cuộc họp vào ngày 19/4 này, Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong sẽ trình đại hội đồng cổ đông kế hoạch doanh thu hơn 5.175 tỷ đồng, tương ứng tăng 6% so với mức thực hiện trong năm 2021; sản lượng dự kiến tăng 6%, lên mức 100.000 tấn. Song, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ giảm khoảng 10% so với năm trước, với 465 tỷ đồng.

Giá nguyên liệu đã tăng lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Những ngày qua, nếu giá dầu trên thị trường thế giới không điều chỉnh giảm nhanh, mà cứ giữ ở mức cao như giai đoạn mới xảy ra xung đột Nga – Ukraina thì giá nguyên liệu ngành nhựa có thể tiếp tục lập đỉnh mới. Trong khi đó, ngành nhựa trong nước hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu. Năm nay, Nhựa Tiền Phong khó có được lợi thế mua nguyên liệu giá rẻ như năm 2021.

Từ những yếu tố đó, Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy mức chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế như vừa nêu, tương đương 9% doanh thu là phù hợp. Qua 3 tháng đầu năm, Nhựa Tiền Phong ước đạt doanh thu 1.131 tỷ đồng, tương đương 21,8% kế hoạch năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận trước thuế ước đạt 135,9 tỷ đồng, tương đương 29% kế hoạch năm, giảm 10% so với cùng kỳ.

Vậy điều gì đã giúp Công ty tăng trưởng trong 2 năm trước, dù chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19 và biến động giá nguyên liệu?

Trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2019 đến năm 2021, lợi nhuận của Công ty luôn vượt chỉ tiêu đề ra từ 7 - 21%. Đặc biệt là năm 2021, mặc dù thị trường hoạt động khó khăn nhưng Nhựa Tiền Phong vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 521,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch 21% và doanh thu đạt 4.877 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2020.

Để có được kết quả này thực sự là điều không dễ dàng gì. Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 và 4 trong năm 2021 tại phía Nam và việc thực hiện các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách xã hội kéo dài khiến cho Nhựa Tiền Phong phía Nam và nhà máy tại Bình Dương gần như không hoạt động được.

Cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp khác, Công ty cũng phải chống đỡ “cơn bão Covid-19”. Nhưng trên hết, mọi lựa chọn của chúng tôi đều hướng đến quyền lợi cho cổ đông, sự an toàn cho hệ thống phân phối và đặc biệt là sự ổn định cho cuộc sống của gần 2.000 cán bộ, công nhân viên ở cả 3 miền. Do vậy, chúng tôi chấp nhận chậm lại một chút, dù doanh thu có thể không đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, khác với năm 2022, hai năm trước, Nhựa Tiền Phong có lợi thế lớn khi chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu nhờ dự báo được đà tăng giá. Bên cạnh đó, nhờ kiểm soát chặt các chi phí trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, lãi suất vay trong giai đoạn này cũng giảm, chúng tôi tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng.

Có thể thấy, năm 2020, 2021 thực sự là một phép thử nội lực, bản lĩnh của các doanh nghiệp và chúng tôi đã vượt qua. Không những thế, với doanh thu năm 2021 ở cả ba miền đạt gần 5.800 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong vẫn giữ vững vị trí là doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.

Trong năm 2022, với nhiều yếu tố khách quan khó đoán định hơn, Ban lãnh đạo Công ty căn cứ vào đâu để đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh thu, thưa ông?

Theo nhận định của chúng tôi, năm 2022 sẽ là 1 năm phát triển tốt, với nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh, tăng sản lượng và doanh thu tất cả các ngành, trong đó có ngành nhựa. Với chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Bên cạnh đó, dịch bệnh trong năm nay cũng đã được kiểm soát tốt, và tỷ lệ bao phủ vắc – xin toàn dân cao, nên sẽ không xảy ra tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất do dịch bệnh Covid-19 nữa.

Do đó, Nhựa Tiền Phong sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản phẩm phục vụ cho các lĩnh vực: phát triển hạ tầng, xây dựng dân dụng, thủy sản, giao thông, công trình ngầm hóa của ngành điện, cấp thoát nước…. để khai thác tối ưu năng lực thị trường.

Năm 2021, Nhựa Tiền Phong cũng đã hợp tác với Iplex để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đi Australia và New Zeland, việc hợp tác này vừa nâng cao trình độ sản xuất của Công ty, vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.

Theo thỏa thuận, Nhựa Tiền Phong cũng đã cung cấp cho Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ống HDPE DN 1.400 - 1.600 dẫn nước biển từ ngoài khơi xa vào bờ để nuôi thủy sản. Vừa qua, việc hợp tác với Tập đoàn Minh Phú bị gián đoạn do hoạt động đầu tư của Minh Phú phải tạm dừng vì ảnh hưởng bởi Covid-19. Nhưng từ năm nay, hoạt động đầu tư mới ao nuôi của Minh Phú sẽ diễn ra mạnh hơn, mở ra dư địa tăng doanh thu cho Nhựa Tiền Phong.

Nhựa Tiền Phong cũng đang hợp tác với Sekisui để nghiên cứu công nghệ sản xuất ống và phụ tùng C.PVC - một dòng sản phẩm mới sử dụng cho hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Một thông tin đang được các nhà đầu tư rất quan tâm, đó là việc thoái vốn của SCIC tại Nhựa Tiền Phong. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch này?

Tiến độ thoái vốn sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Ngày 19/10/2021, Bộ Tài chính đã có công văn gửi SCIC, đề nghị triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Cho đến thời điểm này, Nhựa Tiền Phong đang thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và đang chờ các thông tin hướng dẫn cụ thể, chi tiết từ phía SCIC.

Dù hoạt động kinh doanh được đánh giá còn gặp nhiều khó khăn, song Nhựa Tiền Phong vẫn luôn dành nguồn lực lớn cho các hoạt động thiện nguyện?

Đúng vậy. Có được Nhựa Tiền Phong của hôm nay, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự tin tưởng và đồng hành của đối tác, bạn bè, khách hàng. Do đó, hành trình thiện nguyện mà Nhựa Tiền Phong đang thực hiện không chỉ là trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp, mà còn là sự tri ân của chúng tôi với cộng đồng.

Trong rất nhiều hoạt động vì cộng đồng đã thực hiện, "Cầu nối yêu thương" là chương trình chúng tôi dành nhiều tâm sức nhất. Được triển khai từ tháng 10/2017, đến nay, sau gần 5 năm, chúng tôi đã xây dựng được gần 90 cây cầu, với tổng kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Trong năm nay, Nhựa Tiền Phong sẽ chạm mốc xây dựng cây cầu thứ 100 và hành trình lan tỏa yêu thương từ "Cầu nối yêu thương" vẫn sẽ được nối dài. Nhựa Tiền Phong tin tưởng rằng trên hành trình lan toả sự yêu thương của mình, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành của Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm cũng như các đối tác như Viettinbank, Deloitte Việt Nam, Tín Kim, Đại Dũng, Bê tông 620 Châu Thới, Định Tân, Nguyên Cường… và một số tập thể, cá nhân thân thiết của NTP.

Không chỉ bền bỉ với Chương trình "Cầu nối yêu thương", Nhựa Tiền Phong còn đồng hành với Chương trình "Trái tim cho em". Tham gia chương trình này, Nhựa Tiền Phong đã hỗ trợ cho 50 ca mổ tim, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng.

Cuối tháng 10/2020, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và Nhựa Tiền Phong cũng đã chính thức ra mắt Quỹ Cánh diều xanh để trợ giúp trẻ em dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống tại các tỉnh miền núi phía Bắc và hỗ trợ Chương trình Nâng cao chất lượng điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2020 - 2022.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu năm 2021 của Nhựa Tiền Phong đạt 9,7%, tương đương năm 2020. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.596 đồng, tăng 6,2% so với năm 2020.

Giá trị cổ phiếu Nhựa Tiền Phong (mã NTP) tăng từ 32.800 đồng/cổ phiếu đến 69.300 đồng/cổ phiếu (cao nhất) đã thể hiện sức hút của doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm (tương đương tăng gần 26%), lên 4.898 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 62%, lên 2.721 tỷ đồng với khoản lớn nhất là hơn 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho. Đây là lợi thế tăng doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong bối cảnh giá nguyên liệu vẫn có xu hướng tăng.

Thu Lê


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn