TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

MB thắng giải thưởng quốc tế danh giá về quản trị rủi ro

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Giải thưởng một lần nữa khẳng định vị trí tiên phong của MB trong việc ứng dụng công cụ và mô hình tiên tiến trong công tác quản trị rủi ro, đồng hành, thúc đẩy các giá trị cùng kinh doanh đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững, hiệu quả.

Ngày 21/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vinh dự được Celent - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn cho ngành Công nghiệp dịch vụ tài chính toàn cầu trao giải Model Risk Manager (Đơn vị Quản trị rủi ro kiểu mẫu) nhờ triển khai thành công công cụ tính toán dự kiến tổn thất tối đa (VaR) gần thời gian thực.

Model Risk Manager Award là giải thưởng thường niên của Celent nhằm vinh danh những tổ chức có sáng kiến công nghệ xuất sắc trong công tác quản trị rủi ro trên toàn cầu. Để thắng giải thưởng, doanh nghiệp phải chứng minh được sáng kiến của mình đã được thực hiện thành công, có sự đột phá về đổi mới sáng tạo và công nghệ và mang lại lợi ích kinh doanh rõ ràng.

"Quản trị rủi ro luôn là nền tảng quan trọng hàng đầu của MB" là lời khẳng định của bà Phạm Thị Trung Hà – Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối Quản trị rủi ro MB trong buổi phỏng vấn giữa Celent và ngân hàng MB. Bà chia sẻ rằng MB luôn tập trung triển khai các sáng kiến quản trị rủi ro thông minh, trong đó áp dụng các công cụ hiện đại vào tất cả các mảng quản trị rủi ro như rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động…, từ đó nâng cao khả năng phân tích, dự báo và ra quyết định dựa trên mô hình và dữ liệu.

"Học hỏi từ các bài học trong quá khứ, chúng tôi đã áp dụng các phương pháp làm việc Agile để hiện thức hóa các yêu cầu kinh doanh và quản trị. Cách này giúp chúng tôi có thể nhanh chóng áp dụng các công cụ và mô hình rủi ro trong kinh doanh", Phó tổng giám đốc MB cho hay.

Chia sẻ thêm về sáng kiến được nhận giải thưởng của Celent, bà Phạm Thị Trung Hà cho biết, sau khi nghiên cứu kĩ hệ thống phần mềm của đối tác Finastra, MB đã phát triển thành công công cụ tính toán dự kiến tổn thất tối đa (VaR) gần thời gian thực (near real time) để ngân hàng có thể tự tin trước các quyết định giao dịch, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho MB.

Trả lời về kế hoạch phát triển trong tương lai mà Quản trị rủi ro MB hướng đến, lãnh đạo MB nhấn mạnh: "Trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho tất cả các mảng quản trị rủi ro trọng yếu".

Trước đó, vào năm 2023, MB đã được Oracle trao tặng giải thưởng sáng tạo xuất sắc - Innovation Excellence Award dành cho tổ chức có sự đổi mới xuất sắc trong việc ứng dụng các nền tảng OFSAA vào quản trị nội bộ và đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế (Basel II).

Theo: MB thắng giải thưởng quốc tế danh giá về quản trị rủi ro


Vietnam Airlines có tiềm năng trở thành thương hiệu toàn cầu

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Giáo sư Nawal Taneja cùng cho rằng, Vietnam Airlines cần xây dựng thương hiệu dựa trên những yếu tố thuận lợi, tiềm năng sẵn có.

Sáng 1/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tiếp Giáo sư Nawal Taneja, chuyên gia quốc tế đầu ngành lĩnh vực hàng không, hiện là chuyên gia cố vấn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Giáo sư Nawal Taneja đồng quan điểm về các yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển hàng không, trong đó xây dựng chiến lược phát triển Vietnam Airlines thành thương hiệu hàng đầu khu vực (Ảnh: Tạ Hải).

Cám ơn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã dành thời gian tiếp, Giáo sư Nawal Taneja cho biết, ông có kinh nghiệm hơn 50 năm làm việc trong lĩnh vực hàng không, tham vấn, tư vấn cho chính phủ các nước và cố vấn cho nhiều hãng hàng không, nhất là về chiến lược phát triển.

Giáo sư Nawal Taneja chia sẻ một số kinh nghiệm khi tư vấn, cố vấn cho chính phủ, hãng hàng không các nước; thông tin về kinh nghiệm thành công và bài học khi thực hiện phát triển hàng không tại các hãng Singapore Airlines, Ethiopian Airlines...

Từ các thành công và thất bại, theo Giáo sư Nawal Taneja, để lĩnh vực hàng không hay một hãng hàng không phát triển phải cần 4 "mảnh ghép": Hãng hàng không, sân bay, chính phủ và hạ tầng. Trong đó 3 "mảnh ghép" đầu là trụ cột. Về tương lai của Vietnam Airlines, Giáo sư Nawal Taneja nhấn mạnh, Vietnam Airlines có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển thành hãng hàng không lớn, có thương hiệu toàn cầu.

Ông cho rằng, các yếu tố thuận lợi để Vietnam Airlines phát triển đều đã có. Việt Nam có vị trí quan trọng tại Đông Nam Á, dân số lớn, kinh tế phát triển mạnh mẽ, hoàn toàn phù hợp thúc đẩy phát triển hàng không.

Mặt khác, hiện đang hình thành "con đường tơ lụa mới" với điểm xuất phát là Đông Nam Á, điểm đến mới là Trung Đông, thay vì "con đường tơ lụa" cũ với điểm xuất phát là Trung Quốc và điểm đến là châu Âu.

Do vậy, Vietnam Airlines cũng cần xây dựng, khẳng định được thương hiệu trên những đường bay mới, điểm đến mới.

Ngoài ra, với tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, cùng xu hướng sử dụng máy bay điện, phương tiện bay điện nhỏ gọn (chở được khoảng 10 người), loại phương tiện bay này rất thích hợp để đầu tư. Mô hình này đang được triển khai thành công tại các thành phố đông dân như Sao Paulo (Brazil), New Dehli (Ấn Độ)...

"Tôi rất vui mừng được tham gia hỗ trợ Vietnam Airlines, tôi cũng luôn sẵn sàng tư vấn cho Bộ GTVT, Chính phủ Việt Nam về phát triển hàng không.

Vai trò hoạch định chính sách của Chính phủ vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hàng không", Giáo sư Nawal Taneja bày tỏ và cho rằng, Việt Nam nên có các quy định cởi mở, thông thoáng hơn về cấp thị thực, tạo thuận lợi cho khách quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tặng quà lưu niệm Giáo sư Nawal Taneja, cảm ơn giáo sư đã cố vấn, hỗ trợ Vietnam Airlines (Ảnh: Tạ Hải).

Chúc mừng Giáo sư Nawal Taneja và Vietnam Airlines đã tổ chức thành công Hội nghị Hàng không quốc tế lần thứ 28 (IAS 28) diễn ra tại Hà Nội từ 27-29/2/2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ hy vọng kết quả đạt được tại hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng không toàn cầu, trong đó có ngành hàng không Việt Nam.

Bộ trưởng trân trọng cảm ơn những hỗ trợ của Giáo sư Nawal Taneja dành cho Vietnam Airlines thông qua vai trò chuyên gia cố vấn.

Ông bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ từ Giáo sư Nawal, Vietnam Airlines sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt qua các khó khăn chung, phấn đấu trở thành một trong những hãng hàng không hàng đầu khu vực.

Bộ trưởng cho biết, hiện Vietnam Airlines đã vượt qua được khó khăn bởi đại dịch, thị trường trong nước đã phục hồi vượt trước thời điểm dịch, thị trường quốc tế đã phục hồi tương đương với thời điểm dịch.

Kết quả này có được là do Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ các hãng hàng không trong nước vượt qua khó khăn.

Cùng đó là các chính sách thúc đẩy du lịch, phục hồi kinh tế như: Thỏa thuận với các quốc gia tiềm năng về du lịch, tăng cường các chuyến bay đi châu Âu, châu Mỹ...; triển khai quyết liệt chính sách miễn thị thực đối với công dân một số quốc gia; đẩy mạnh triển khai cấp thị thực trực tuyến...

Việt Nam cũng đang tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không/sân bay, quy hoạch hệ thống sân bay nhằm thúc đẩy thị trường hàng không.

Về hạ tầng, trong đó có hạ tầng công nghệ, hiện đang triển khai thực hiện check in online tại các cảng hàng không Điện Biên, Phú Bài... tiến tới nhân rộng tại các cảng hàng không khác.

"Vietnam Airlines cần xác định được lợi thế là hãng hàng không quốc gia, chủ động xây dựng chiến lược phát triển để cạnh tranh quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Theo: Vietnam Airlines có tiềm năng trở thành thương hiệu toàn cầu


Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong: Mừng Xuân mới với những nỗ lực mới

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

365 ngày đầy nỗ lực, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã khép lại năm 2023 với những con số rất đáng ghi nhận. Tổng doanh thu của toàn đơn vị đạt 5.176 tỉ đồng, lợi nhuận lên tới hơn 659 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2022 và là mức lợi nhuận cao nhất doanh nghiệp đạt được kể từ trước tới nay. Bước sang năm 2024 với chủ đề: “Sản phẩm tiên phong – Khát vọng nâng tầm”, một mùa Xuân mới đầy hứa hẹn những trái ngọt đang từng bước được đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động nơi đây tiếp tục biến thành hiện thực.

Đứng trước những tác động trái chiều của kinh tế trong nước, sự chững lại của thị trường bất động sản hay sự biến động mạnh của giá nguyên liệu, Nhựa Tiền Phong đã chọn cách đối diện thay vì “cài số lùi”. Chính những gian nan đã giúp nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp để tận dụng tốt nhất những cơ hội trong  6 tháng cuối năm giúp đạt được kết quả về lợi nhuận tốt của Nhựa Tiền Phong trên toàn hệ thống.

Tập thể cán bộ công nhân viên công ty hân hoan chào đón Xuân mới

Ông Phạm Hồng Sĩ - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Để có được thành quả đó, thì nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và Công đoàn luôn cố gắng nỗ lực để đảm bảo các chế độ phúc lợi tốt nhất cho người lao động, qua đó nâng cao tinh thần làm việc, tạo động lực để CBNV sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tạo những giá trị lớn hơn cho sự phát triển của công ty. Năm 2023, mức thưởng của công ty vẫn được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung, tương đương với 3,5 tháng lương, đồng thời còn tặng thêm quà Tết và các suất quà đặc biệt hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người được đón Tết trong sự đầm ấm, no đủ. 

Các cán bộ, công nhân viên được công ty tôn vinh thành tích cá nhân xuất sắc trong  Hội nghị tổng kết năm 2023

Ngoài chăm lo cho đời sống người lao động, Nhựa Tiền Phong còn gia tăng quyền lợi, lợi ích cho các đơn vị bán hàng trong hệ thống phân phối thông qua các chính sách ưu tiên, khuyến mại, chiết khấu hợp lý tuỳ theo tình hình kinh doanh thực tế. Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong cũng tổ chức các hội thảo sản phẩm tại các tỉnh để tăng cường mối quan hệ hợp tác, đồng thời gắn kết cửa hàng với các khách hàng trên địa bàn và tiếp cận các khách hàng tiềm năng, mở rộng thị phần. Hội nghị khách hàng được Nhựa Tiền Phong tổ chức thường niên với các nội dung phong phú để tri ân sự đồng hành của các khách hàng.

Hàng năm công ty đều tri ân các cán bộ công nhân viên công tác lâu năm tại Hội nghị tổng kết

Chị Đặng Thị Thuỷ - Công ty CP Đầu tư và Thương mại An Thắng, địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân đồng hành cùng Nhựa Tiền Phong đã hàng chục năm nay cho biết: “ Tôi rất yên tâm khi kinh doanh sản phẩm của Nhựa Tiền Phong vì chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường. Thông tin về công ty, về sản phẩm trên website luôn đầy đủ, minh bạch. Nhân viên công ty luôn chăm sóc các đơn vị bán hàng, các đại lý hết sức chu đáo. và hỗ trợ rất nhiệt tình các đại lý tiếp cận các dự án lớn trên địa bàn”. Mặt khác, khi khách hàng có nhu cầu giải đáp thắc mắc, công ty cử cán bộ chuyên trách hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ. Ngoài ra, công tác marketing cũng được công ty triển khai đồng bộ và mạnh mẽ đã hỗ trợ các đơn vị rất nhiều trong công tác bán hàng và mở rộng thị phần.

Là một trong hai đơn vị bán hàng lớn của Nhựa Tiền Phong tại Hòa Bình, Anh Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc ĐVBH Huyền Vũ có địa chỉ tại đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình cũng bày tỏ: Anh đã đồng hành cùng Nhựa Tiền Phong từ hơn chục năm nay với doanh số 20 - 30 tỷ đồng mỗi năm. Thấu hiểu trước những bất lợi của thị trường và khó khăn trong việc duy trì doanh số cao của đơn vị anh, Nhựa Tiền Phong vẫn duy trì các quyền lợi, ưu đãi như trước đây khiến anh Vũ càng thêm tin tưởng và có thêm động lực để phát triển kinh doanh, gắn bó lâu dài với Nhựa Tiền Phong.

Công ty tôn vinh các đơn vị có thành tích kinh doanh sản phẩm cao nhất tỉnh tại Hội nghị khách hàng 2023 tổ chức tại Nghệ An

Với chủ đề: “Sản phẩm tiên phong – Khát vọng nâng tầm”, Nhựa Tiền Phong đang bước vào năm mới 2024 với tâm thế mới: chủ động áp dụng khoa học, công nghệ mới, hiện đại kết hợp với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phủ rộng hơn nữa các vùng thị trường… để nâng tầm một Nhựa Tiền Phong phát triển lớn mạnh hơn nữa. Trung thành với định hướng: Lợi ích của khách hàng gắn liền với lợi ích của công ty và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, Nhựa Tiền Phong đã và đang đồng hành với người tiêu dùng cả nước, vững bước vượt qua mọi khó khăn với những nỗ lực cao nhất./.

Theo: Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong: Mừng Xuân mới với những nỗ lực mới


Vinapharm: Năm mới, tham vọng mới

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Khép lại một năm 2023 thành công, Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm) hứng khởi bước vào năm 2024 với những mục tiêu đầy tham vọng.

Đại diện Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên của Vinapharm

Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Vinapharm cho thấy, năm qua, tổng doanh thu theo báo cáo tài chính tổng hợp đạt 307 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2022, vượt kế hoạch 11% và lợi nhuận trước thuế đạt 222 tỷ đồng, tăng 705% so với năm 2022 và vượt kế hoạch 5%. Tổng doanh thu theo báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp đạt 5.873 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm 2022 và xấp xỉ đạt kế hoạch đề ra; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 443 tỷ đồng, tăng 236% so với mức thực hiện trong năm 2022 và vượt 32% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Bên cạnh các kết quả kinh doanh nổi bật, một loạt nhiệm vụ trọng tâm cũng được Vinapharm triển khai hiệu quả trong năm qua, góp phần tăng cường vị thế của một doanh nghiệp dược top đầu tại Việt Nam.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 471/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2023, kể từ ngày 2/6/2023, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vinapharm đã chuyển giao từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo chỉ đạo của SCIC, Vinapharm đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy chế quản trị, tăng cường phối hợp, hỗ trợ và gắn kết giữa Vinapharm, người đại diện và các doanh nghiệp có vốn góp của Vinapharm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch kinh doanh đặt ra.

Năm 2024, Vinapharm đặt chỉ tiêu kinh doanh trên báo cáo tài chính tổng hợp là 319 tỷ đồng doanh thu, 254 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 4% và 14% so với mức thực hiện năm 2023.

Vinapharm đã hoàn thành việc xây dựng Đề án Tái cơ cấu theo chỉ đạo của SCIC tại Văn bản 1276/ĐTKDV-ĐT3 ngày 15/6/2023, với mục tiêu tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, quản trị và thúc đẩy chia sẻ trong danh mục ngành dược của SCIC.

Bên cạnh đó, Vinapharm tích cực mở rộng mối quan hệ với các đối tác quốc tế. Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, Vinapharm đã ký kết 2 biên bản ghi nhớ với các đối tác trong lĩnh vực dược sinh học.

Với nền tảng được tạo lập vững vàng, Vinapharm bước sang năm 2024 với quyết tâm chinh phục những mục tiêu tham vọng. Trên cơ sở dự báo về môi trường kinh doanh, các xu thế của ngành dược, cũng như dự kiến kế hoạch kinh doanh của các công ty có vốn góp, năm nay, Vinapharm đặt chỉ tiêu kinh doanh trên báo cáo tài chính tổng hợp là 319 tỷ đồng doanh thu, 254 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 4% và 14% so với mức thực hiện năm 2023.

Với báo cáo tài chính hợp nhất, các chỉ tiêu dự kiến là 5.903 tỷ đồng doanh thu, 524 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mức tăng trưởng 1% về doanh thu và 18% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2023.

Mục tiêu dù thách thức, song cũng là động lực để Vinapharm triển khai thêm nhiều giải pháp mới, nhằm duy trì đà tăng trưởng hai con số về hiệu quả hoạt động trong năm 2024. Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, nhân viên Vinapharm quyết tâm đồng sức, đồng lòng, thực hiện công việc với tinh thần trách nhiệm cao, chuyên nghiệp hướng đến mục tiêu xây dựng Vinapharm ngày càng phát triển bền vững và hiệu quả, với tôn chỉ “Nâng tầm giá trị - Kiến tạo tương lai”.

“Vinapharm rất mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, định hướng chiến lược của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, SCIC, sự hợp tác toàn diện của các đối tác, cũng như sự đồng hành, gắn kết của các cán bộ, nhân viên vì một Vinapharm phát triển bền vững và hiệu quả”, bà Hàn Thị Khánh Vinh, Tổng giám đốc Vinapharm chia sẻ.

Theo: Vinapharm: Năm mới, tham vọng mới


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn