TỔNG CÔNG TY ĐẦU TƯ VÀ KINH DOANH VỐN NHÀ NƯỚC

Bạn đánh giá: 2 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thị trường dệt may giai đoạn cuối năm chưa khởi sắc nhưng cũng sẽ không diễn biến xấu hơn.

Vinatex: Đáy xấu nhất của ngành dệt may đã đi qua

Xuất khẩu dệt may 7 tháng 2023 giảm 15,9%

Theo thông tin từ Hội thảo báo cáo định kỳ hàng tháng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt 3,81 tỷ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 6,2% so với tháng 6/2023. Lũy kế 7 tháng 2023, xuất khẩu dệt may đạt 22,5 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ 2022.

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ tiếp tục đà suy giảm ở mức 17% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm 10% so với cùng kỳ, thị trường Hàn Quốc giảm 9,58% cùng kỳ.

Thị trường Nhật Bản vẫn giữ được mức tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu đạt 428 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may đi Trung Quốc đạt 360 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu sợi đạt 219 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ có thị trường Nhật Bản tăng so cùng kỳ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD, tăng 3% so với năm trước. Thị trường Mỹ, EU và Hàn Quốc đều lần lượt giảm 24%, 10% và 7,7% so với cùng kỳ 2022. Thị trường Trung Quốc mặc dù có tháng 7 đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng vẫn giảm 10% so với năm 2022.

Tại Hội thảo trên, nhận định dự báo về thị trường, ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, đối với thị trường ngành may, tình trạng cầu thấp của năm 2023 có thể kéo dài sang năm 2024.

"Thị trường những tháng cuối năm 2023 chưa có động lực tăng, tổng cầu có thể chỉ tăng theo mức tăng tự nhiên hàng năm với các mùa lễ hội cuối năm", đại diện Vinatex nhận định.

Với thị trường Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ 6 tháng cuối năm dự kiến tăng 10% so với 6 tháng đầu năm, đưa cả năm 2023 kim ngạch nhập khẩu tổng hàng may mặc của thị trường này đạt 80 tỷ USD, giảm 20% so với năm 2022.

Với thị trường Nhật, có thể tiếp tục đà tăng của 6 tháng đầu năm, tuy nhiên có thể bị tác động giảm giá 5-7% so đồng Yên tiếp tục mất giá theo như dự báo của JP Morgan.

Vẫn còn rủi ro do cầu chưa hẳn phục hồi

Cũng tại hội thảo, phân tích một số dự báo về tỷ giá 5 tháng cuối năm 2023, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, mức độ mất giá của VNĐ so với các đồng nội tệ của các nước là rất thấp, trong đó VNĐ mất giá ở mức 1,48%, trong khi Nhân dân tệ (Trung Quốc) là 7,15%, Yên (Nhật) là 8,29%...

“Do đó, áp lực giảm giá VNĐ là rất lớn khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, hiện chưa phải thời vụ nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng cho dịp Giáng sinh, nhập khẩu hàng tiêu dùng dịp Tết, do đó thời gian tới cầu ngoại tệ sẽ tăng”, Chủ tịch Vinatex đánh giá.

Với những dự báo trên, ông Trường cho rằng, khả năng từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp cần cân nhắc đưa ra một số giải pháp điều hành linh hoạt, tránh biến động tỷ giá tác động tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm.

Chủ tịch Lê Tiến Trường nhận định, thị trường những tháng cuối năm chưa có gì khởi sắc so với giai đoạn trước nhưng cũng không xấu hơn, đáy xấu nhất của dệt may đã đi qua. Nguy cơ trong thời gian gần là giảm số lượng hàng hóa, gây áp lực lớn lên hệ thống sản xuất đang có sẵn của doanh nghiệp.

Hiện nay, hơn một nửa khách hàng của Vinatex đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên, tín hiệu chung cho thấy hiệu quả ngành may sẽ tương đương 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, ngành sợi cho thấy đáy sản xuất kinh doanh cũng vừa vượt qua, tuy nhiên vẫn mang tính rủi ro cao do cầu chưa lên hẳn, chỉ đơn vị nào chuẩn bị nguyên liệu và tổ chức sản xuất tương đối tốt sẽ hạn chế được thiệt hại.

Lãnh đạo Tập đoàn Vinatex lưu ý đến doanh nghiệp cần quan tâm các vấn đề: lãi suất vay giảm, biến động tỷ giá, giá bông ở thời điểm hiện tại, ngưỡng tài chính… để chuẩn bị nguyên liệu, hệ thống kinh doanh, tài chính, tín dụng phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong những tháng cuối năm 2023.

Theo: Vinatex: Đáy xấu nhất của ngành dệt may đã đi qua (mekongasean.vn) 


Bạn đánh giá: 1 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Sáng 7/8, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ công bố các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng 5 năm ngày thành lập Ủy ban. Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh dự và phát biểu tại buổi lễ.

Toàn cảnh buổi lễ

Tham dự buổi lễ có đại diện các Tiểu ban chuẩn bị các hoạt động chào mừng 5 năm ngày thành lập Ủy ban: Thông tin, tuyên truyền; Văn nghệ - thể thao, hoạt động an sinh xã hội; Tài chính - hậu cần; Lễ tân và Tổ Thư ký; cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách truyền thông của 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Căn cứ Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ, Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/9/2018. Tới nay, Ủy ban đã đạt được những thành tích, kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao; ngày một chuyên nghiệp hơn trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc; chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành tốt vị trí, vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao; thể hiện, tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi lễ

“Sau chặng đường hoạt động 5 năm, đây là thời điểm tổng kết, đánh giá, ghi nhận những kết quả nổi bật của Ủy ban đã đạt được; qua đó kiến tạo tinh thần làm việc phấn khởi, phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban, từng bước xây dựng bề dày truyền thống, tiếp tục đưa Ủy ban phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Đồng thời, củng cố, xây dựng tốt mối quan hệ của Ủy ban với các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, một trong những hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao nổi bật chào mừng 5 năm thành lập Ủy ban là Hội thao và Hội diễn văn nghệ diễn ra từ tuần 2/tháng 8 đến tuần 2/tháng 9. Hội thao gồm các môn bóng đá, chạy và bóng bàn. Bên cạnh mục tiêu phát triển phong trào thể thao, nâng cao sức khoẻ thể chất, một số hoạt động còn có giá trị lan tỏa ý nghĩa nhân văn, nhân ái; cụ thể, đối với giải chạy, với mỗi km mà cán bộ chạy được, đơn vị đó sẽ hỗ trợ 5.000 đồng đóng góp vào quỹ 200 Ngôi nhà thân ái giúp đỡ các gia đình khó khăn trên địa bàn cả nước. Tới nay, các đơn vị tham gia đều phấn đấu đạt tối thiểu từ 100.000 km trở lên. Bên cạnh đó, Hội diễn văn nghệ ghi nhận sự tham gia, đăng ký tích cực từ 19 đơn vị, với các tiết mục văn nghệ sáng tạo, gắn liền với thông điệp “Kết nối, đồng hành, cùng phát triển” của chuỗi hoạt động kỷ niệm 05 năm thành lập Ủy ban.

Nhằm thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của cán bộ, người lao động, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng tới các đơn vị, người lao động về chuỗi hoạt động thể thao, văn nghệ; tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, người lao động tham gia hăng hái, tích cực. Bên cạnh đó, các cán bộ phụ trách công tác truyền thông báo chí của Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc được giao nhiệm vụ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Ủy ban và chuỗi hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, Cổng thông tin, các kênh truyền thông nội bộ; qua đó nổi bật mục đích, nội dung, thể lệ tham gia, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. “Qua đó, củng cố ý nghĩa của việc thành lập Ủy ban - cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và vị trí, vai trò, đóng góp quan trọng của 19 Tập đoàn, Tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, thông tin về Hội diễn văn nghệ và Hội thao bóng đá, chạy và bóng bàn chào mừng 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được công bố chi tiết về quy mô, đối tượng tham gia, thời gian và địa điểm tổ chức. Các hoạt động chào mừng 05 thành lập Ủy ban gắn với giáo dục truyền thống, nâng cao tinh thần, trách nhiệm nâng cao tinh thần, trách nhiệm, niềm tự hào, ý chí quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý, người lao động trong toàn Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc trong thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch, chỉ tiêu được giao; xây dựng Ủy ban ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp. Chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao được tổ chức trên tinh thần thống nhất, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, thiết thực.


Bạn đánh giá: 3 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

Trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ, ông Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) cho biết năm 2023, nhiệm vụ quan trọng nhất được Uỷ ban và các doanh nghiệp trực thuộc xác định là tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, duy trì và củng cố vai trò nòng cốt của nền kinh tế.

Năm tiền đề chuẩn bị cho những hoạt động đầu tư lớn

Những nhiệm vụ trọng tâm mà UBQLV đề ra cho năm 2023 là gì, thưa ông?

Ông Hồ Sỹ Hùng: Năm 2022 có những biến động mạnh và năm nay khả năng cao những biến động này vẫn tiếp tục ở mức độ nhất định: Diễn biến khó lường của thị trường, tính lạm phát, suy giảm kinh tế ở một số quốc gia,…

Uỷ ban và các doanh nghiệp xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải góp phần củng cố các yếu tố đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế. Đơn cử như điện, dù giá điện đầu vào năm 2022 và dự kiến năm 2023 còn cao, nhưng Uỷ ban đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thu xếp và triển khai các giải pháp cung ứng nguồn điện cho năm 2023.

Hoặc đối với xăng dầu - vấn đề lớn và tương đối nhạy cảm, Uỷ ban đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phối hợp với nhau để có cơ chế thuận lợi và phù hợp cho thị trường trong nước. 

Ngoài ra còn có các nội dung có tính chiến lược như xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển. UBQLV coi năm 2023 là tiền đề để chuẩn bị cho những hoạt động đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính chất truyền thống vẫn đang triển khai bình thường như công tác dầu khí, sản xuất các sản phẩm cao su, lương thực, công nghiệp chế biến như thuốc lá,… vẫn được duy trì và kết quả hoạt động dự kiến theo như công suất đã được thiết kế. Đặc biệt, Uỷ ban sẽ chỉ đạo, đồng hành cùng với các tập đoàn, tổng công ty cố gắng nâng cao chất lượng và giá trị để đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Mới đây, EVN đề xuất Uỷ ban việc tính giá điện theo giá thị trường. Đây là mục tiêu và chủ trương được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra từ khoảng 10 năm nay trong tiến trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh. UBQLV rất mong muốn có các cơ chế để đưa giá điện hiện nay sát với thị trường, để các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện (EVN và các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) có sự cạnh tranh khách quan, công bằng trong đầu tư và cung ứng điện. Việc này tác động đến giá điện đầu ra. Khi giá điện đầu ra tiệm cận giá điện thị trường thì các doanh nghiệp có cơ sở để tự xem xét hiệu quả hoạt động đầu tư cũng như cân đối chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào để đưa ra giá điện phù hơp theo các thời điểm khác nhau của thị trường.

Thời điểm thay đổi căn bản tình hình tài chính của các dự án yếu kém

Việc xử lý các dự yếu kém, chậm tiến độ thì sao? Xin ông thông tin rõ hơn về định hướng cũng như kết quả giải quyết các dự án này?

Ông Hồ Sỹ Hùng: Năm 2022 là giai đoạn Uỷ ban và các cơ quan, đơn vị liên quan rất vất vả với 7 dự án còn lại trong danh sách 12 dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương. Vấn đề thị trường có ảnh hưởng quan trọng đến các quyết định và cân nhắc biện pháp cụ thể cho từng dự án.

Trong đó, do điều kiện thay đổi thuận lợi của thị trường, đề án và các giải pháp cho 3 nhà máy phân bón của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cơ bản đạt được sự đồng thuận và có đường đi tương đối rõ ràng. Đến hôm nay, thực tế cho thấy hoạt động của các nhà máy, công ty thuộc 3 dự án hoá chất phân bón này cơ bản đem lại kết rất tích cực.

Nếu diễn biến thuận lợi như năm 2021 và 2022 thì năm 2023 cũng có thể coi là thời điểm bản lề để thay đổi căn bản tình hình tài chính của các dự án này. Nhưng thị trường cũng có sự thay đổi rất bất ngờ, đặc biệt là đối với ngành thép, nhiều nhà máy thép trên thế giới và ngay ở Việt Nam phải dừng sản xuất. Tổng công ty Thép Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn đến việc xử lý và đưa ra các giải pháp cho các dự án thép như tại Tisco II, dự án liên doanh nhà máy gang thép Việt - Trung có nhiều khó khăn hơn.

Hiện nay, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và Tổng công ty Thép Việt Nam đang phân tích tình hình tài chính, đặc biệt là các vướng mắc, hợp đồng EPC để tạo điều kiện tháo gỡ các ràng buộc, làm cơ sở để chủ động hơn trong việc đưa ra quyết sách giải quyết vấn đề.

Các dự án khác như dự án thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam hay dự án đóng tàu tại Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn đang trong quá trình xử lý vấn đề liên quan đến Hợp đồng EPC dở dang với nhà thầu nước ngoài. Đây là nội dung tồn đọng nhiều năm nay, đến giờ vẫn chưa giải quyết được. Hai năm chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 cũng là giai đoạn làm cho các bên hạn chế cơ hội trao đổi, thương thảo nên tiến trình này đang chậm.

Ông có đề xuất gì để Uỷ ban có thể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện cơ quan chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp?

Ông Hồ Sỹ Hùng: Chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng cơ chế và chức năng thực hiện đại diện cơ quan chủ sở hữu đã được luật pháp quy định từ năm 2015 và đến hiện nay chưa có gì thay đổi, kể từ khi UBQLV thành lập và hoạt động vào cuối năm 2018.

Trong bối cảnh đó, Uỷ ban và các doanh nghiệp thực hiện các quy chế và quy định đã có giống như các Bộ, cơ quan chủ quan trước đây. Đương nhiên các vướng mắc, khó khăn mà các Bộ đã gặp thì Uỷ ban cũng gặp và việc giải quyết các vấn đề này liên quan đến cơ chế.

Tôi nhìn nhận cái được ở đây là Uỷ ban cùng các doanh nghiệp đã đồng hành, phân tích, thấu hiểu rõ nhiều vướng mắc. Một số điểm nghẽn đã được nhận diện và giải quyết phần nào nhưng theo tôi vẫn cần tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện. Một số nội dung sửa đổi về cơ chế hiện nay đạt sự đồng thuận cao của các cơ quan quản lý có liên quan. Quốc hội đã cho chủ trương sửa đổi Luật Về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; Chính phủ, Thủ tướng đã có chỉ đạo.

Đồng thời, các nội dung liên quan đến thực hiện quyền chủ sở hữu cần được làm rõ theo hướng chủ động, phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho đại diện vốn trực tiếp tại doanh nghiệp và người tham gia vào công tác quản lý như Hội đồng Thành viên, Hội đồng Quản trị của nghiệp. Mặt khác, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong đó có UBQLV sẽ tập trung vào công tác giám sát, kiểm tra, đảm bảo sự phát triển theo chiến lược và hài hoà theo kịch bản chung của phát triển kinh tế-xã hội mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hàng năm.

Theo tôi, đây là điểm then chốt để không chỉ riêng UBQLV mà tất cả các cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể thực hiện được quyền hạn của mình mà vẫn duy trì điều kiện hoạt động của doanh nghiệp thông suốt và thuận lợi theo cơ chế thị trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo: 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bảo đảm vai trò nòng cốt của nền kinh tế (Báo Chính phủ | baochinhphu.vn) 


Bạn đánh giá: 3 / 5

Ngôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao có hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực

THÔNG BÁO CÔNG BỐ THÔNG TIN BỔ SUNG VỀ VIỆC BÁN ĐẤU GIÁ CỔ PHẦN CỦA SCIC TẠI CTCP QUẢN LÝ BẢO TRÌ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA SỐ 9

  1. Ngày 04/1/2023, SCIC đã ban hành Bản Công bố thông tin về việc bán đấu giá cổ phần của SCIC tại CTCP Quản lý đường thuỷ nội địa số 9, theo đó, nhà đầu tư đăng ký và nộp tiền cọc: Từ 8 giờ 00 phút ngày 05/1/2023 đến 16 giờ 00 phút ngày 20/1/2023.
  2. Khuyến nghị nhà đầu tư:Do ngày 20/01/2023 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Hội sở chính không thực hiện giao dịch tại quầy nên trường hợp các nhà đầu tư quan tâm nộp tiền đặt cọc trong ngày 20/01/2023 thì thực hiện nộp tiền đặt cọc bằng hình thức chuyển khoản online vào tài khoản:

+ Tên tài khoản: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước

+ Số Tài khoản: 9999 9999 9996 tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Hội sở chính

+ Nội dung nộp tiền/chuyển tiền ghi rõ: "Họ và tên/tên tổ chức, Số CMND/CCCD/Số ĐKKD (ngày và nơi cấp); Nộp Tiền đặt cọc mua lô 328.950 cổ phần của SCIC tại Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9".

Trân trọng ./.


Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Địa chỉ: Tầng 23-24 Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội Giấy phép: 338/GP-BC ngày 10/11/2006 Website: www.scic.vn